Đồng thời, hội nghị nêu ra những thách thức, cơ hội và hành động ứng phó của các quốc gia trong khu vực cũng như yêu cầu đặt ra với các nhà lập pháp.
Thúc đẩy gắn kết giữa các bên
Nhấn mạnh vai trò của nghị viện đối với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), Chủ tịch Quốc hội Myanmar Mahn Win Khaing Than cho rằng, vai trò của các nhà lập pháp và xây dựng các mục tiêu phát triển bền vững là gắn kết với nhau. Cần các thiết chế mạnh mẽ hơn, đóng vai trò trung tâm trong việc thực hiện các mục tiêu phát tiển bền vững, bao gồm việc bảo đảm chính sách phát triển, sự tham gia của các bên trong tiến trình và sự tiến bộ về nhiều mặt luật pháp.
Theo ông Mahn Win Khaing Than, trong khối ASEAN, Quốc hội Myanmar đã làm việc với các nước để đưa ra sáng kiến Quốc hội yêu cầu Chính phủ và chịu trách nhiệm với các mục tiêu phát triển bền vững và phải có chương trình hành động cụ thể. Chính phủ là cơ quan quan trọng trong thực thi SDGs nhưng Quốc hội có vai trò cao hơn, đó là vai trò giám sát, bảo đảm thành công các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có giám sát, theo dõi của các ủy ban của Quốc hội. Quốc hội Myanmar cam kết bảo đảm thực hiện các chương trình bền vững và xây dựng các chương trình thiết kế thực hiện.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Việt Nam đã triển khai xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và trình Thủ tướng Chính phủ để ban hành. Đây sẽ là căn cứ pháp lý để Việt Nam thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế, đóng góp có trách nhiệm vào các nỗ lực chung của toàn cầu về phát triển bền vững. Kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam được xây dựng dựa trên quan điểm: Con người là trung tâm của phát triển bền vững. Phát huy tối đa nhân tố con người với vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của phát triển bền vững.
Để triển khai thực hiện Kế hoạch, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, Việt Nam sẽ tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách nhằm đảm bảo khung pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện Kế hoạch hành động và các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam (VSDGs); xây dựng kết hoạch hành động của các bộ, ngành và địa phương; lồng ghép các mục tiêu Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về các mục tiêu phát triển bền vững…
Theo ông Nguyễn Thế Phương, Việt Nam hiện đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp, nguồn vốn ODA đang giảm mạnh. Để đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức rất lớn do nguồn lực tài chính từ bên ngoài bị thu hẹp. Bên cạnh việc huy động nguồn lực trong nước để thực hiện Chương trinh nghị sự 2030, Việt Nam cần có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế về nâng cao năng lực thể chế, cũng như nguồn lực tài chính để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, đặc biệt là những mục tiêu liên quan đến giảm bất bình đẳng về thu nhập và điều kiện sống, tạo việc làm, y tế, giáo dục, phát triển kinh tế và môi trường bền vững…
Đi vào một số mục tiêu cụ thể như thúc đẩy bình đẳng giới và y tế trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu, các đại biểu nhấn mạnh cần thống nhất nhận thức của các đại biểu Quốc hội về sự gắn kết giữa biến đổi khí hậu, bất bình đẳng giới và sức khỏe; từ đó xây dựng các đạo luật thúc đẩy biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu phù hợp với yêu cầu về giới và sức khỏe.
Theo bà Shoko Ishikawa, Đại diện Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam, phải loại bỏ bất kỳ hình thức nào phân biệt đối xử, bạo hành với phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời chúng ta cũng cần ghi nhận các giá trị của phụ nữ khi thực hiện các công việc không tên trong gia đình. Biến đổi khí hậu không phân biệt đối với nam hay nữ, nhưng thực tế người phụ nữ dễ bị tác động, thiệt hại hơn. Ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, phụ nữ làm nông nghiệp chiếm tỉ lệ rất cao và chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu.
Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam nhấn mạnh, phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả, nhất là về an ninh con người và an ninh kinh tế. Với đất nông nghiệp chiếm khoảng 74%; khoảng 80% người dân sống ở vùng nông thôn phụ thuộc vào nông nghiệp; lại là quốc gia chịu thiên tai do biến đổi khí hậu ảnh hưởng.
Nghị sỹ cần hành động mạnh mẽ hơn
Thảo luận về nội dung “Các thách thức, cơ hội và hành động ứng phó của các quốc gia khu vực Châu Á- Thái Bình Dương; Cam kết quốc tế và yêu cầu đặt ra với các nhà lập pháp”, các diễn giả và các nghị sỹ đã giới thiệu bức tranh tổng quan và cập nhật tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu và tác động của nó đối với sự phát triển bền vững trong khu vực; các thách thức và cơ hội cho việc chuyển đổi mô hình phát triển bền vững hơn cho các quốc gia.
Các đại biểu nhất trí cho rằng, biến đổi khí hậu đang ngày càng gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống con người với cường độ và tần suất ngày càng nghiêm trọng, có thể dẫn đến giảm 5%-10% GDP toàn cầu, trong đó các nước nghèo sẽ là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Khu vực châu Á- Thái Bình Dương là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nhất từ biến đổi khí hậu, thể hiện rõ nhất qua các hiện tượng thiên tai như bão lụt, các hiện tượng khí hậu bất thường ngày càng gia tăng về cường độ gây ảnh hưởng trực tiếp cho hàng trăm triệu người dân.
Biến đổi khí hậu đã và đang trở thành thách thức nghiêm trọng nhất đối với quá trình phát triển của các quốc gia và có thể trở thành yếu tố dẫn đến bất khả thi cho phát triển bền vững của một số quốc gia. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu cũng là một cơ hội cho các quốc gia trong việc đoàn kết cùng triển khai các hoạt động giảm thiểu tác hại biến đổi khí hậu; thay đổi cơ bản về nhận thức và cách thức sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh theo hướng thích ứng và giảm tác hại của biến đổi khí hậu.
Theo bà Anna Schreyoegg, Cố vấn Chính sách và Giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), các nước tham gia Thỏa thuận Paris về thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu cần tập trung vào việc triển khai các hoạt động mang tính khả thi, mạnh mẽ để đóng góp cho mục tiêu giảm nhẹ nhiệt độ toàn cầu xuống 2 độ C. Trong đó các nước cần xây dựng kế hoạch thích ứng Quốc gia, xây dựng bộ khung tiêu chuẩn về thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, nâng cao khả năng của các nước thành viên Thỏa thuận trong việc chuẩn bị nguồn lực, tài chính và công nghệ để thực hiện các đóng góp giảm nhẹ thích ứng biến đổi khí hậu.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhấn mạnh, thời gian qua, Việt Nam nhận thức rõ nguy cơ của biến đổi khí hậu và đã tích cực tham gia, thực hiện các chương trình quốc tế về biến đổi khí hậu. Việt Nam đã tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật về công tác thích ứng, giảm thiểu biến đổi khí hậu như các quy định về hoạt động xả rác thải, khí thải; tăng cường sử dụng công nghệ sạch, sản xuất nông nghiệp xanh...
Trong khi đó, Nghị sỹ Cộng hòa Fiji, bà Namosimalua Veniana cho rằng các nghị sỹ cần có những hành động mạnh mẽ để giảm thiểu biến đôi khí hậu, những hiện tượng lũ lụt, nước biển dâng. Quốc hội các nước phải có biện pháp cụ thể khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu, kết hợp các quy trình và thực hiện tốt chức năng giám sát các hoạt động hành pháp trong thực hiện pháp luật về biến đổi khí hậu.
Các phát biểu tại Hội nghị tập trung đánh giá cho rằng các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương cần có sự hợp tác chặt chẽ, cam kết rõ ràng trong hoạt động giảm thiểu biển đổi khí hậu. Các quốc gia cần dành nhiều nguồn lực, nhân lực cho hoạt động giảm thiểu biến đổi khí hậu và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương, đa phương trong lĩnh vực nghiên cứu, tuyên truyền, chuyển giao công nghệ thực thi các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu.
Các nghị sỹ tham dự Hội nghị nhất trí cần nâng cao trách nhiệm và vai trò của mình trong việc thúc đẩy hoạt động hoàn thiện pháp luật về biến đổi khí hậu, thúc đẩy các Chính phủ và người dân thực thi nghiêm chỉnh các cam kết, thỏa thuận quốc tế về biến đổi khí hậu, hiện thực hóa Thỏa thuận Paris, góp phần tích cực cho sự phát triển bền vững của các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương.