Các cơ quan Quốc hội, đại diện bộ, ban, ngành Trung ương dự và thảo luận nhiều nội dung tại cuộc họp.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, Hội nghị chuyên đề “Ứng phó với biến đổi khí hậu - Hành động của các Nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững” do IPU và Quốc hội Việt Nam phối hợp tổ chức có ý nghĩa rất quan trọng với Việt Nam, một trong những nước chịu ảnh hưởng năng nề nhất từ biến đổi khí hậu.
Hội nghị là diễn đàn để các nghị viện, nghị sỹ trong khu vực, các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác trong quá trình thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu; thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong các hoạt động của IPU, nhất là trong bối cảnh Quốc hội Việt Nam vừa được bầu làm thành viên Ban Chấp hành IPU (2016-2019); góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế cũng như nhận thức của các cấp, ngành, địa phương và toàn dân về biến đổi khí hậu cùng nguy cơ tác động của nó đối với mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.
Các đại biểu dự cuộc họp đều nhất trí cho rằng, công tác tổ chức Hội nghị cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, từ khâu lễ tân, đón đoàn, chuẩn bị nội dung, công tác tuyên truyền… Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cam kết hoàn thành tốt nhiệm vụ chuẩn bị nội dung với nhiều chủ đề cho Hội nghị.
Bên cạnh đó, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định sẽ cung cấp thông tin dữ liệu theo từng chủ đề Hội nghị cho các diễn giả nếu cần thiết. Đại diện Bộ Ngoại giao cũng cho rằng, công tác lễ tân của Hội nghị cần được chuẩn bị chu đáo, thể hiện rõ tầm quan trọng của sự kiện đối với Việt Nam.
Hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á - Thái Bình Dương về “Ứng phó với biến đổi khí hậu - Hành động của các Nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững” cũng sẽ giới thiệu tổng quan về các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và các tiêu chuẩn đánh giá tiến bộ của khu vực trong việc thực hiện các mục tiêu này, nhằm thúc đẩy nghị viện các nước trong khu vực cam kết và hành động mạnh mẽ hơn trong việc tăng cường bình đẳng giới, bảo vệ sức khỏe, đảm bảo an sinh, phúc lợi cho tất cả mọi người.
Đây được coi là những nhân tố quan trọng quyết định tới sự phát triển con người, ảnh hưởng tới các chính sách phát triển bền vững mà IPU đang rất chú trọng trong bối cảnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.