Đặc biệt những tháng mùa khô, hàng trăm hộ dân tái định cư lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống, sản xuất.
Mặc dù kinh tế gia đình rất khó khăn nhưng đã gần 2 tháng nay, gia đình anh Lò Văn Núi ở bản Quỳnh Bằng, xã Mường Bằng, huyện Mai Sơn phải chắt bóp từng đồng để mua nước về sinh hoạt. Mỗi xe chứa khoảng 2 mét khối nước được mua giá 400 nghìn đồng.
Theo anh Núi, đang là mùa khô cũng là mùa thu hoạch mía vì thế sau một ngày lao động chiều về cả nhà phải tắm, giặt. Mặc dù việc dùng nước đã hết sức tiết kiệm nhưng số nước mua về chỉ chưa đầy một tuần là hết. Để có nước dùng, gia đình cũng đã phải vay mượn để xây bể chứa nước hơn 10 mét khối, tuy nhiên mấy tháng gần đây không có mưa, nước dự trữ cũng trở nên cạn kiệt. Hai tháng nay, hàng ngày đi làm thêm được đồng nào gia đình anh cũng đều dành tiền để mua nước.
Anh Lò Văn Núi bày tỏ, bà con ở đây khổ nhất là từ tháng 2 đến tháng 5, vì trong khoảng thời gian này bị thiếu nước nghiêm trọng.
Anh Hoàng Văn Túy là chủ xe hàng ngày chở nước cung cấp cho bà con cho biết, mỗi ngày anh phải chở từ 10 đến 15 chuyến nước không chỉ cho bà con bản Quỳnh Bằng mà còn tại nhiều bản lân cận. Để có nước sạch, anh cũng phải đi mua từ nơi khác rồi bán lại cho người dân.
Anh Hoàng Văn Túy chia sẻ, cứ đến mùa khô anh lại nghỉ công việc đồng áng để đi chở nước bán cho bà con trong vùng. Giá bán nước cho bà con cũng được anh tính một cách hợp lý. Bởi anh cũng là người dân về đây tái định cư nên rất hiểu sự khó khăn của bà con.
Hộ anh Lò Văn Núi chỉ là một trong số 27 hộ dân của bản Quỳnh Bằng đang lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.
Theo ông Lường Văn Phích, Trưởng bản Quỳnh Bằng, bà con chuyển về đây từ năm 2009, những ngày đầu về đây ổn định đời sống, theo danh mục ngoài các công trình phụ trợ như nhà văn hóa, lớp học mầm non thì bản cũng được đầu tư cả công trình nước sạch. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, việc xây dựng kéo dài từ năm 2009 đến năm 2016 công trình mới hoàn thành.
Trong suốt thời gian đó, các hộ dân phải sử dụng đến tiền đền bù khi di chuyển để đầu tư xây bể chứa nước mưa phục vụ việc ăn uống. Còn nước sinh hoạt, tắm giặt bản phải dùng nhờ nguồn giếng khoan do một doanh nghiệp bỏ lại để bơm lên. Mặc dù nước rất bẩn nhưng chỉ dùng trong mùa mưa, còn mùa khô nước giếng khoan cũng cạn kiệt. Năm 2016, khi công trình nước tự chảy được kéo về bản những tưởng bà con sẽ bớt khó khăn hơn nhưng sau ngày khánh thành, nước cũng chỉ chảy đúng một tuần rồi dừng hẳn.
Cũng lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trong những tháng mùa khô hơn, 20 hộ dân ở bản tái định cư Quỳnh Trai, xã Mường Bằng gặp rất nhiều khó khăn. Những ngày nắng nóng vừa qua, mặc dù Ban quản lý bản đã huy động người dân sửa chữa nhưng công trình không cung cấp đủ nước sinh hoạt.
Ông Lò Văn Vượng, Trưởng bản Quỳnh Trai cho biết, từ cuối năm 2015 đầu năm 2016 công trình nước còn sử dụng được. Nhưng từ cuối năm 2016 đến nay, nước ít, thậm chí không có.
Theo đại diện chính quyền xã Mường Bằng, tình trạng thiếu nước sinh hoạt xảy ra ở hầu hết các bản trong xã. Nhưng khó khăn nhất là các bản tái định cư bởi các công trình nước sinh hoạt đều không hiệu quả.
Ông Tòng Văn Hạnh, Bí thư Đảng ủy xã Mường Bằng thông tin, vào năm 2005, trước khi đón các hộ vùng ngập nước của thủy điện Sơn La về đây tái định cư, các đơn vị liên quan đã đầu tư xây dựng các công trình cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, trên địa bàn xã không có nguồn nước nào, vì thế Ban quản lý dự án di dân, tái định cư huyện Mai Sơn đã khảo sát và dẫn đường ống từ nguồn nước của bản Nà Lo, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La có vị trí cách 17 km. Do đường ống dài, không có máy bơm tạo áp lực và sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân trong việc tự ý cắt đường ống để lấy nước nên dẫn đến tình trạng thiếu nước vào mùa khô.
Hiện nay hơn 120 hộ dân tái định cư và nhiều hộ dân sở tại đang lâm vào cảnh thiếu nước. Trước mắt, chính quyền địa phương đang vận động người dân sử dụng nước suối hoặc đi mua nước.
Trước thực trạng thiếu nước tại các điểm tái định cư thuộc xã Mường Bằng, năm 2018 huyện Mai Sơn đã lập dự án trình các cấp có thẩm quyền đầu tư nâng cấp công trình nước sạch cho người dân. Do chưa được phê duyệt nên huyện Mai Sơn đã lập dự án dùng nguồn ngân sách huyện để xây dựng công trình này.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn Hà Văn Bình cho biết, huyện đã kiến nghị với các Bộ, ngành Trung ương đưa các công trình nước sinh hoạt vào danh mục đầu tư giai đoạn 2. Do nguồn vốn chưa được cân đối nên không thể đầu tư. Vừa qua, UBND huyện đã xin ý kiến UBND tỉnh Sơn La để sử dụng một phần nguồn ngân sách địa phương đầu tư các công trình nước sạch cho người dân vùng tái định cư. Sau khi được UBND tỉnh cho phép, trong thời gian ngắn nhất huyện Mai Sơn sẽ khắc phục các công trình cấp nước để người dân yên tâm lao động, sản xuất.