Trước đây, các hộ dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh thường tổ chức mai táng cho người thân sau khi qua đời bằng hình thức hỏa táng ngoài trời, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn trong khu vực dân cư về phòng chống cháy nổ và khói bụi từ việc hỏa táng. Ngoài ra, khi tổ chức hỏa táng, đồng bào dân tộc Khmer cũng không có nơi để thực hiện các nghi lễ cúng tế vong linh người quá cố theo phong tục, tập quán.
Tuy nhiên, sau khi đầu tư xây dựng các nhà hỏa táng đã khắc phục triệt để tình trạng hỏa táng người quá cố theo hình thức tự phát trong đồng bào dân tộc Khmer, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường, sức khỏe của người dân trong vùng. Hình thức hỏa táng nói trên góp phần làm thay đổi quan niệm, tập quán lâu dài của nhân dân về mai táng cho người quá cố bằng hình thức địa táng vừa gây tốn kém đất đai, vừa gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Qua khảo sát của cơ quan chức năng tỉnh, các nhà hỏa táng được đầu tư xây dựng theo công nghệ mới, cách nhiệt hoàn toàn với bên ngoài. Quy trình vận hành của các bộ phận bên trong nhà hỏa táng được thiết kế phù hợp để hạn chế đối đa những tác nhân gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường khi hỏa táng như khói, bụi, khí thải, mùi hôi... Bên cạnh đó, các nhà hỏa táng đều được bố trí xây dựng trong khuôn viên các chùa, Salatel, cách xa khu vực dân cư, xung quanh trồng nhiều hàng cây xanh có tán rộng, tầm cao để hấp thụ giảm bớt mùi, khói và giảm sự khuyếch tán ra môi trường.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, hiện việc lựa chọn mai táng cho người quá cố theo hình thức hỏa táng trong đồng bào dân tộc Khmer và nhân dân trên địa bàn tỉnh gia tăng. Đặc biệt, khi quỹ đất sử dụng cho sản xuất gặp khó khăn sẽ không còn nhiều đất dùng cho việc mai táng theo hình thức địa táng. Mai táng theo hình thức hỏa táng giúp thân nhân người mất giảm chi phí xây dựng mộ, đi lại thăm viếng, bảo quản mộ của người thân hàng năm.
Từ thực tế nhu cầu hỏa táng của người dân ngày càng tăng cao, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường đầu tư kinh phí khoảng 20 tỷ đồng (không tính chi phí giải phóng mặt bằng do xây dựng trong khuôn viên của chùa) để tỉnh triển khai xây dựng mới một nhà điện táng thay thế lò hỏa táng tại chùa Monivongsa, Phường 1, thành phố Cà Mau. Lò hỏa táng này đang trong tình trạng quá tải, mỗi ngày tiếp nhận từ 3 - 4 ca hỏa táng và vẫn còn sử dụng công nghệ đốt bằng củi nên khó xử lý triệt để tác động tiêu cực đến môi trường phát sinh trong quá trình hỏa táng. Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm duy tu, sửa chữa các công trình hỏa táng bị xuống cấp hoặc bị hỏng.
Đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ phần lớn theo đạo Phật, hệ phái Nam tông Khmer, có phong tục, tập quán hỏa táng người quá cố. Đây là hình thức mai táng mang đậm bản sắc văn hóa tín ngưỡng, thể hiện tính nhân văn cao và phát triển theo hướng văn minh, hiện đại trong xã hội ngày nay. Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh và chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động sâu rộng đồng bào dân tộc Khmer và nhân dân tích cực phát huy nếp sống văn hóa trong tổ chức mai táng cho người quá cố bằng hình thức hỏa táng. Các địa phương cần vận hành các nhà hỏa táng theo đúng quy định về bảo vệ môi trường.