Bông hoa làm giàu núi rừng Tây Nguyên

Ở thôn 14, xã vùng sâu Ea Kiết, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk), nhiều người biết đến chị Lê Thị Sửu không những vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng từ sản xuất nông nghiệp, mà còn giúp nhiều phụ nữ nghèo trong thôn, trong xã có việc làm nâng cao đời sống.

Chị Lê Thị Sửu cho biết, rời quê hương Hà Tĩnh vào lập nghiệp tại vùng sâu Ea Kiết, gia tài mang theo chỉ đủ mua lại 7 sào đất rẫy ở khá xa khu dân cư để sản xuất kiếm sống. Những năm đầu do “lạ nước, lạ cái” nên chị quyết định dành toàn bộ diện tích đất này để sản xuất cây lúa, cây ngô nhằm giải quyết cái ăn trước mắt.

Sau một thời gian, chị chịu khó đến hộ gia đình sản xuất kinh doanh giỏi cà phê trên địa bàn để học tập kinh nghiệm, đồng thời, mua thêm sách báo nói về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê để chuyển dần diện tích đất trồng lúa, trồng ngô sang cây cà phê.

Chị Lê Thị Sửu đang thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Báo Đắk Lắk


Mặc dù vườn cà phê được đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, vườn cây lên xanh tốt, năng suất mỗi niên vụ đạt từ 3,5 đến 4,4 tấn cà phê nhân/ha nhưng chị Sửu vẫn chưa hài lòng với kết quả này. Qua nhiều lần tham quan mô hình và tham dự các lớp tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, kỹ thuật thâm canh các loại cây công nghiệp dài ngày do các trung tâm khuyến nông huyện, tỉnh và Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên tổ chức, năm 2006, chị Sửu bàn với gia đình quyết định đầu tư trồng xen cây hồ tiêu trong vườn cà phê.

Đến nay, chị Sửu đã trồng xen được 700 trụ tiêu trong vườn cà phê, trong đó có 150 trụ đã cho thu hoạch, với năng suất đạt từ 5 đến 7 kg tiêu đen/trụ. Theo dự kiến, đến năm 2015, toàn bộ diện tích vườn tiêu trồng xen đưa vào kinh doanh, mỗi năm chị cũng thu hoạch thêm từ 3 đến 4 tấn tiêu đen. Với giá tiêu, cà phê như hiện nay, mỗi năm gia đình chị cũng có thu nhập từ 500 triệu đồng trở lên.

Theo đánh giá của Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, việc trồng cây tiêu trong vườn cà phê có nghĩa là đa dạng hóa sản phẩm trong vườn cây cà phê. Điều này giúp các nông hộ không những tránh được nguy cơ thua lỗ trong trường hợp chỉ độc canh một loại cây cà phê, mà cây trồng xen (cây tiêu) trong vườn còn phối hợp để bảo vệ cho nhau tránh những điều kiện bất lợi như ánh sáng trực xạ, nhiệt độ cao, sương muối, gió…

Ngoài ra, cây tiêu trồng xen còn có thời gian thu hoạch không giống nhau, nên giảm bớt được tính thời vụ dồn dập. Đa dạng hóa cây trồng trên cùng một đơn vị diện tích đất nhằm tạo nên một tổng thể thực vật có nhiều tầng để khai thác tối đa hiệu quả sử dụng đất, ánh sáng và thu được nhiều lợi nhuận hơn so với trồng thuần cây cà phê.

Chị Lê Thị Sửu còn chăn nuôi thêm hàng trăm con gà, vịt, lợn để tận dụng nguồn phân chuồng ủ hoai mục bón cho các loại cây trồng. Hàng năm chị ươm giống bầu tiêu, thu nhập thêm hàng chục triệu đồng.

Không chỉ biết làm giàu cho gia đình, chị Lê Thị Sửu còn nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ chị em các dân tộc trong thôn, trong xã từ hỗ trợ cho vay vốn không lấy lãi đến hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, thâm canh cây cà phê, hồ tiêu. Đặc biệt, năm 2002, chị Sửu đã cùng một số chị em khác trong Chi hội Phụ nữ thôn 14, xã vùng sâu Ea Kiết thành lập tổ “Phụ nữ làm công”. Từ 10 thành viên ban đầu, đến nay đã tăng lên 45 thành viên.

Nhờ làm việc có trách nhiệm, với giá cả phải chăng nên tổ làm công của chị Sửu thường xuyên có việc làm, tăng thêm thu nhập cho nhiều chị em trên địa bàn. Đặc biệt, đây cũng là một trong những biện pháp giúp hàng chục chị em thoát nghèo có cuộc sống ổn định.

Tuy vất vả bộn bề, nhưng chị Lê Thị Sửu cũng dành thời gian chăm sóc gia đình, yên vui hạnh phúc, các con của chị đều chăm ngoan, học giỏi. Gia đình năm nào cũng được bình chọn là gia đình văn hóa, nhiều năm liền chị được Hội Phụ nữ các cấp biểu dương khen thưởng. Đặc biệt, năm 2013, chị Lê Thị Sửu vinh dự được nhận danh hiệu “Phụ nữ xuất sắc tiêu biểu toàn quốc” do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trao tặng.

Quang Huy
Điểm sáng xây dựng nông thôn mới ở Đắk Lắk
Điểm sáng xây dựng nông thôn mới ở Đắk Lắk

Không phải là xã điểm xây dựng nông thôn mới, nhưng xã Hòa Đông (huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) đã có bước phát triển vượt bậc và trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN