Không phải là xã điểm xây dựng nông thôn mới, nhưng xã Hòa Đông (huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) đã có bước phát triển vượt bậc và trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới. Từ thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở Hòa Đông, có thể rút ra nhiều kinh nghiệm hay trong việc huy động sức dân để thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước.
Hòa Đông là xã thuần nông của huyện Krông Pắk, có diện tích tự nhiên 4.911 ha. Toàn xã có gần 13.300 nhân khẩu, sống ở 19 thôn, buôn. Kinh tế của xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp với cây trồng chủ lực là cà phê.
Đoàn cán bộ xã Hòa Đông kiểm tra tuyến đường giao thông nông thôn mới hoàn thành tại thôn 17. Ảnh: Phan Anh Dũng |
Triển khai xây dựng nông thôn mới, Hòa Đông gặp rất nhiều khó khăn. Hệ thống cơ sở hạ tầng, trường học và giao thông, tuy đã được đầu tư, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Xã không có trường mầm non, nên trẻ em phải đi học nhờ tại nhà dân hay hội trường thôn, buôn. Đường giao thông nông thôn vào mùa mưa thì lầy lội, mùa khô lại gió bụi, đi lại rất khó khăn. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Việc chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi chưa đạt hiệu quả kinh tế. Văn hóa xã hội chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao với trên 12,8%. Tháng 8/2011, khi rà soát hiện trạng so với bộ tiêu chí nông thôn mới, xã Hòa Đông mới đạt được 7/19 tiêu chí.
Sau 3 năm xây dựng nông thôn mới, Hòa Đông đã có bước phát triển vượt bậc. Xã đã đạt 14/19 tiêu chí của chuẩn nông thôn mới, một số tiêu chí quan trọng như: Giáo dục, y tế, hình thức tổ chức sản xuất, an ninh trật tự... đều lần lượt “cán đích”. Bộ mặt nông thôn đã thực sự khởi sắc, đời sống người dân đã có bước tiến đáng kể. So với năm 2011, thu nhập bình quân của người dân tăng lên gấp đôi, đạt 32 triệu đồng/ người/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 12,8% xuống còn 4%. Trên 87% hộ gia đình trong xã đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Hòa Đông đã huy động từ các nguồn lực được 130 tỷ đồng, trong đó có 73% là do nhân dân đóng góp. Chỉ trong 3 năm xã đã thực hiện bê tông hóa được 45 km đường giao thông, 32 km đường điện, 8 trạm biến áp, 1 trạm y tế, 1 trường mầm non... Có được thành công đó là nhờ đảng bộ và chính quyền xã Hòa Đông đã thấm nhuần và vận dụng linh hoạt tư tưởng “lấy dân làm gốc” trong quá trình xây dựng nông thôn mới. “Xây dựng nông thôn mới thực chất là nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Người dân phải thực sự là chủ thể thì việc triển khai thực hiện mới hiệu quả. Nhân dân có ủng hộ và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thì mới thành công", ông Nguyễn Đình Vượng, Chủ tịch UBND xã Hòa Đông, chia sẻ kinh nghiệm.
Lãnh đạo xã Hòa Đông luôn khuyến khích và tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế. Trong 3 năm qua, xã đã tổ chức 30 cuộc hội thảo về chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây cà phê cho hàng nghìn hộ nông dân. Xã cũng tín chấp với các ngân hàng, giúp người dân vay vốn phát triển sản xuất; phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, công ty Quang Phước hỗ trợ kỹ thuật và 50% giá trị cây giống cho những hộ có nhu cầu tái canh vườn cà phê. Hòa Đông đã thành lập được 7 tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững với hơn 300 hộ tham gia. Nhiều mô hình trồng xen cà phê với tiêu, sầu riêng, bơ đã hình thành, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ nay đến năm 2015, Hòa Đông sẽ hoàn thành 5 tiêu chí còn lại của bộ tiêu chí nông thôn mới (giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn và môi trường) để trở thành xã nông thôn mới.
Anh Dũng - Phạm Cường