Trước nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm do bội chi mà nguyên nhân được cho là vì danh mục thuốc đắt tiền, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết sẽ rà soát lại các loại thuốc ngoại mà bảo hiểm phải chi trả.
Tại cuộc họp bàn đề án thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020, phân tích nguyên nhân quỹ bảo hiểm bội chi, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng quá nhiều người chờ đến khi phát hiện bệnh mới mua bảo hiểm, trong khi đó danh mục thuốc bảo hiểm y tế thanh toán được mở rộng cho cả thuốc chữa bệnh ung thư, tim mạch vốn đắt tiền.
"Với phác đồ điều trị ung thư, bệnh nhân không mua bảo hiểm từ trước mà đợi đến khi phát hiện bệnh mới mua, nhưng họ vẫn được hưởng chi trả mỗi năm đến vài trăm triệu đồng", ông Thảo nói.
Chế độ thụ hưởng bảo hiểm y tế sẽ được rà soát. Ảnh:Thiên Chương. |
Bộ trưởng Y tế cho rằng rất khó để rút lại các loại thuốc đã có trong danh mục bảo hiểm chi trả đã được bảo hiểm xã hội duyệt. Song để ngăn tình trạng bội chi, Bộ Y tế sẽ rà soát chấn chỉnh lại danh mục các loại thuốc ngoại quá đắt tiền hiện có trong danh mục mà bảo hiểm y tế phải chi trả.
Cũng theo Bộ trưởng Y tế, bác sĩ điều trị phải "co kéo" chứ không thể lạm dụng hoặc điều trị quá tay. Tuy nhiên để "co kéo" nhưng không thiệt hại cho người bệnh thì Cục Quản lý khám chữa bệnh phải sớm xây dựng đủ phác đồ điều trị cho các chuyên khoa để bác sĩ căn cứ vào đó mà điều trị.
Bà Tiến cũng cho rằng nên xem lại việc chi trả bảo hiểm y tế cho từng đối tượng tham gia. "Không thể người đóng bảo hiểm ở mức tối thiểu hoặc mới tham gia bảo hiểm lại được hưởng lợi tương đương với người tham gia bảo hiểm nhiều năm", bà Tiến nói.
Liên quan đến đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh để toàn dân đồng lòng tham gia bảo hiểm y tế thì trước tiên chất lượng khám và điều trị cho bệnh nhân bảo hiểm phải được nâng cao.
Theo mục tiêu của đề án, đến năm 2015 phải có trên 75% dân số tham gia bảo hiểm y tế và đến năm 2020 khoảng 90% người Việt tham gia bảo hiểm. Trong khi đó, thống kê từ cuối năm 2011 cho thấy chỉ mới gần 64% dân số tham gia bảo hiểm y tế, theo đó nhóm tham gia thấp nhất gồm khối doanh nghiệp, người cận nghèo và người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện.
Theo bà Tiến, sự đồng thuận của nhân dân là vấn đề quan trọng quyết định sự thành công của đề án bảo hiểm y tế toàn dân. "Muốn dân tin tưởng và tự nguyện mua bảo hiểm thì dịch vụ phải hấp dẫn bằng thái độ và chất lượng phục vụ", bà Tiến nhấn mạnh.
|
Tình trạng bệnh nhân nằm hành lang điều trị thường thấy tại các bệnh viện lớn ở TP HCM. Ảnh:Thiên Chương |
|
Bà Bộ trưởng nói rằng, bệnh viện phải bớt làm khổ bệnh nhân bằng cách chia thêm ô cửa khám để rút ngắn thời gian chờ đợi. Không được để kéo dài hình ảnh người bệnh muốn khám phải đi từ 5-6h sáng, rồi chờ đến lượt, đợi kết quả xét nghiệm, xếp hàng mua thuốc. "Tôi thực sự bức xúc khi thấy phụ huynh giữa trưa nắng phải bế trẻ ngồi đợi và người bệnh phải nằm giường đôi, giường ba", bà Tiến nói.
Để đề án thành công, ngoài việc xây dựng lòng tin từ chất lượng khám chữa bệnh, bà Tiến cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thấy được quyền lợi thiết thực và ý nghĩa nhân văn của việc tham gia bảo hiểm y tế, thay vì chờ đến khi phát hiện bệnh mới đi mua bảo hiểm.
Tại TP HCM năm 2011, hơn 4,6 triệu người trong số hơn 7,5 triệu người dân thành phố có tham gia bảo hiểm y tế, chiếm 61,70%. Với tỷ lệ này, tiến sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế cho rằng đến năm 2020, tỷ lệ trên 80% người dân có bảo hiểm là điều có thể thực hiện.
Sở Y tế TP HCM cũng nâng cao chất lượng điều trị nhằm tạo được sự hài lòng cho bệnh nhân bằng cách xây dựng phòng khám vệ tinh, triển khai mô hình bác sĩ gia đình.
Còn theo đại diện Sở Y tế tỉnh An Giang, để người tham gia bảo hiểm hưởng được nhiều quyền lợi hơn, tỉnh dự kiến xây dựng mô hình "bác sĩ gia đình và bác sĩ đa khoa thực hành" khám bảo hiểm tại trạm y tế và phòng khám tư nhân.
Theo Vnexpress.net