Giải pháp thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân

Bà Tống Thị Song Hương (ảnh), Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, đã trao đổi với Tin tức xung quanh vấn đề làm thế nào để Việt Nam sớm đạt mục tiêu thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, tạo nguồn tài chính bền vững cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

´Việc “phủ sóng” bảo hiểm y tế (BHYT) cho 35% dân số chưa có thẻ BHYT là rất khó khăn vì phần lớn số đối tượng này không có thu nhập hoặc thu nhập bấp bênh và lại không thuộc sự quản lý của một tổ chức xã hội nào… Vậy khi nào Việt Nam mới có thể thực hiện được BHYT toàn dân và bằng cách nào, thưa bà?


Sau 3 năm triển khai thực hiện Luật BHYT, bên cạnh những kết quả nhất định thì việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.


Từ thực tế này, Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng Đề án thực hiện lộ trình BHYT toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020. Đề án tập trung vào việc xác định cụ thể số đối tượng chưa tham gia BHYT, phân tích nguyên nhân và đề ra các giải pháp cụ thể để phấn đấu đến năm 2015, Việt Nam có trên 70% dân số tham gia BHYT; và đến năm 2020 có trên 90% dân số tham gia BHYT.


Các giải pháp được hướng tới gồm: Hoàn thiện văn bản pháp luật, trong đó có việc sửa Luật BHYT theo hướng tham gia BHYT theo hộ gia đình thay bằng hình thức tham gia cá nhân như hiện nay. Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về lợi ích của BHYT, đặc biệt cần tăng cường sự cam kết của cả hệ thống chính trị trong việc nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT. Giao chỉ tiêu tỷ lệ dân số tham gia BHYT vào tiêu chí phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương…


Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng tập trung vào các giải pháp quan trọng tác động đến tỷ lệ tham gia BHYT như: Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để đáp ứng yêu cầu của người bệnh, tăng cường đầu tư nâng cấp trang thiết bị, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHYT, triển khai Đề án giảm quá tải bệnh viện, tăng cường cho hệ thống y tế cơ sở.


Đặc biệt, Đề án sẽ tập trung cho nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia BHYT thấp thông qua các giải pháp đề xuất cơ chế tăng mức hỗ trợ đóng BHYT cho nhóm cận nghèo, học sinh, sinh viên, hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình…


´Vậy còn việc xử phạt những vi phạm trong lĩnh vực BHYT, ví như không đóng BHYT cho những đối tượng thuộc phạm vi quản lý thì xử lý ra sao, thưa bà?


Bên cạnh việc xây dựng Đề án thực hiện lộ trình BHYT toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020, Bộ Y tế sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ là Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Đề án này có giải pháp nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện BHYT toàn dân. Công tác thanh, kiểm tra chắc chắn sẽ được tăng cường trên cơ sở phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể, các địa phương trong việc thanh, kiểm tra, tổ chức thực hiện Luật BHYT. Tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp xử phạt những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về BHYT theo Nghị định số 92/2011/NĐ-CP, trong đó có quy định xử phạt những cơ quan, đơn vị, tổ chức không đóng BHYT cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý theo quy định của Luật BHYT.


´Để đảm bảo sự phát triển bền vững của chính sách BHYT, cũng là đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT, Bộ Y tế sẽ có biện pháp gì đối với những cơ sở y tế lạm dụng dịch vụ y tế để trục lợi quỹ BHYT, thưa bà?


Dù đã được Nhà nước, các tổ chức quốc tế hỗ trợ từ 70 - 90% kinh phí mua thẻ BHYT nhưng hiện mới có gần 1,7 triệu người/khoảng 6 triệu người cận nghèo tham gia BHYT. Nhóm học sinh - sinh viên bắt buộc phải tham gia BHYT theo luật định nhưng tỉ lệ tham gia mới đạt 70%. Nhóm đối tượng thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có tới 20 triệu người cũng có tỷ lệ tham gia BHYT ở mức thấp.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã chỉ đạo rất quyết liệt bằng cả văn bản và các cuộc thanh, kiểm tra các cơ sở y tế. Bộ Y tế cũng tổ chức rất nhiều lớp tập huấn về quản lý tài chính trong bệnh viện, đặc biệt có những chuyên đề về quản lý BHYT. Qua đó đã cung cấp nhiều thông tin về BHYT cho đội ngũ lãnh đạo quản lý các bệnh viện, để họ xác định rõ hơn về trách nhiệm trong việc thực hiện nghiêm Luật BHYT và hiểu rằng, việc tăng cường quản lý sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT cũng chính là vì sự phát triển của bệnh viện.


Xin cảm ơn bà!


Phương Liên (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN