Bình yên bên cánh rừng ngập mặn

Hàng trăm hộ dân ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang và những hộ dân ở xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đã qua những ngày tháng sống trong tâm trạng thấp thỏm, lo sợ những cơn sóng dữ cứ chực chờ cuốn trôi hoa màu, tài sản vào mùa mưa lũ. Có thể nói, đó là một tín hiệu vui của người dân trong cuộc chiến chống BĐKH.


Những cánh rừng hồi sinh


Trên chiếc vỏ lãi, anh Nguyễn Tấn Anh, Phó Trạm trưởng Trạm thủy lợi U Minh đưa chúng tôi tiến dần ra cửa biển Tây để đến khu vực kè ly tâm, mà theo anh đoạn kè này đã và đang xây dựng có tổng chiều dài 4.200 m đang phát huy tác dụng hiệu quả chắn sóng, tạo bãi bùn để hồi sinh cánh rừng ngập mặn.

 

Bà Đỗ Kim Thu, ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn, huyện Duyên Hải, tỉnh Kiên Giang vui mừng với việc chăn nuôi đàn thỏ đang phát triển tốt.


Nhắc đến câu chuyện hàng ngàn ha rừng phòng hộ tan hoang bởi những đợt sóng biển liên hồi tàn phá nặng nề, anh Tấn Anh nhớ lại: “Vào cuối năm 2010, khi tôi về nhận nhiệm vụ ở đây, lúc đó vào mùa mưa bão, những cơn sóng dữ đã phá nát cánh rừng phòng hộ, gây xói lở bờ biển. Không thể hình dung được một cánh rừng ngập mặn vươn ra biển đến 1 km bị sóng đánh có đoạn chỉ còn 1 mét nữa là đứt thân đê. Lúc đó, tôi cùng với nhân dân, lực lượng công an, quân đội sử dụng cừ tràm địa phương, rọ đá làm đê tạm để chống chọi với sóng biển, không để xói lở tiếp tục lấn sâu vào đất liền. Nhưng chẳng bao lâu sau thì cừ tràm, rọ đá cũng bị sóng biển đánh bật hết”.


Nhưng đến nay câu chuyện đó chỉ còn là quá khứ, khi chúng tôi cùng anh Tấn Anh đang đứng chân trên một đoạn kè ly tâm hay còn gọi là kè ngầm - là những trụ bê tông tròn bao quanh bên trong là đặc kín những khối đá hộp. Chỉ tay về phía bãi bùn rộng lớn trải dài từ đoạn kè ngầm vào đến bờ biển, anh Tấn Anh giải thích: “Kè ngầm này có mục đích giảm cường độ sóng, tạo điều kiện bồi lắng, giữ phù sa và sau đó tạo thành bãi để trồng rừng. Qua thời gian sẽ tái sinh rừng bằng hạt tự nhiên. Chủ yếu là rừng mắm, các loại cây phù hợp khác để chống sạt lở, bảo vệ bờ biển, tương lai là sẽ tăng thêm diện tích rừng và lấn biển”.


Đây là hiệu quả của dự án “Kết hợp bảo vệ rừng và phục hồi đai rừng ngập mặn” có tổng mức đầu tư hơn 340 tỷ đồng do Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ phần lớn. Bà Lê Thị Hơn, 59 tuổi, ngụ tại ấp 1, xã Khánh Tiến, huyện U Minh (Cà Mau), vui mừng nói: “Tôi sống tại đây hơn 20 năm rồi. Kể từ khi cánh rừng ngập mặn còn vươn dài ra biển Tây cho đến khi tan hoang, xói lở. Những năm đó, vào mùa mưa đồ đạc của gia đình tôi lúc nào cũng gói lại trong bọc ni lông. Đến khi nghe nước tràn đê, vào nhà là ôm đồ bỏ chạy. Nhưng giờ thì cũng yên tâm lắm rồi. Với lại tôi được nghe thông tin nhà nước hỗ trợ đưa chúng tôi vào khu tái định cư. Tôi nghe vậy cũng mừng lắm, mong nhà nước đưa bà con mình vào đó sớm để ổn định cuộc sống hơn nữa”.


Còn tại xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, kể từ năm 2008 đến nay, khi thực hiện dự án thí điểm trồng rừng ngập mặn chống xói lở, nỗi lo sống chung với lũ của hàng trăm hộ dân ấp Vàm Rầy ngày càng vơi dần bởi sự phát triển của những mảng rừng ngập mặn tựa như những “tấm khiên xanh” chống chọi lại sự tàn phá của BĐKH. Dự án này do Tổ chức phát triển quốc tế Đức (GIZ) thực hiện với sự tài trợ của chính phủ Đức và Úc.

Ông Lê Văn Tiễn, Chủ tịch xã Bình Sơn, chia sẻ: “Kể từ khi có dự án, vùng đất này thay da đổi thịt nhiều lắm. Đời sống sinh kế tốt hơn rất nhiều vì tổ chức GIZ đã hồi phục được 300m rừng bị xói lở bằng hàng rào giữ bùn, chắn sóng. Cuối năm 2013, thêm tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) triển khai thí điểm dự án tại xã với mục tiêu góp phần cải thiện sức chống chịu và thích ứng với BĐKH. Theo đó, sẽ có thêm 800m rừng nữa được phục hồi”.


Cuộc sống đổi thay


Ông Tiễn cho biết, bên cạnh việc trồng rừng, tổ chức GIZ và IUCN còn giúp hỗ trợ sinh kế cho người dân và cải thiện môi trường sống bằng việc cung cấp bồn nước sạch, xây dựng nhà vệ sinh. Cùng với việc đưa điện vào đây, thời gian tới xã sẽ nhận được 60 bồn nước và 60 nhà vệ sinh. Tuy chưa đáp ứng đầy đủ cho 705 hộ dân đang sinh sống tại ấp Vàm Rầy nhưng cũng góp phần nào cải thiện môi trường sống.


Bà Đỗ Kim Thu, ngụ tại tổ 10 vừa lật cuốn album ảnh ghi lại hình ảnh đê biển sạt lở, những cánh rừng ngập mặn xơ xác của những năm trước đây, vừa cho biết thời điểm đó, hoa màu, nuôi thủy sản của bà con tại đây bị thiệt hại nặng nề do nhiễm mặn, đời sống vô cùng khó khăn. “Kể từ khi có dự án, chúng tôi được hỗ trợ sinh kế nên cuộc sống giờ tốt hơn rất nhiều”, bà Thu nhận định. Năm 2013, bà Thu được tổ chức GIZ hỗ trợ miễn phí 2.000 con cá giống, 600 kg thức ăn cá và hỗ trợ kỹ thuật nuôi trồng. Vụ vừa rồi bà thu hoạch được 10 triệu, ngoài việc tái đầu tư thả nuôi cá, bà Thu còn đầu tư thêm 150 gốc chuối và nuôi đàn thỏ hơn 30 con. “Nhờ được hỗ trợ sinh kế ban đầu và môi trường được cải thiện nên việc nuôi trồng thấy khả quan hơn”, bà Thu vui mừng nói.


Để tiếp tục giữ gìn những gì đã được đầu tư hỗ trợ, cũng như góp phần chống lại BĐKH, năm 2013, xã Bình Sơn đã thành lập “tiểu đội bảo vệ bờ biển” với nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự khu vực dân cư ven biển, bảo vệ rừng. Anh Dương Văn Bé, thành viên của tiểu đội, cho biết: “Anh em chúng tôi chủ yếu làm nghề đánh bắt thủy sản trên biển. Vừa đi làm, anh em kết hợp tuần tra rừng và tuyên truyền cho bà con biết giữ gìn, bảo vệ rừng phòng hộ. Tôi nghĩ rằng, trải qua những năm tháng cơ cực vì mất rừng, nay bà con cũng đã hiểu được rằng không phát triển rừng thì không thể giữ được đất canh tác và nếu để mất rừng, bà con nơi đây sẽ mất tất cả”.

 

Bài và ảnh: P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN