Theo đó, mỗi căn nhà có diện tích gần 50 m2 với tổng kính phí gần 700 triệu đồng. Trong buổi trao nhà, các hộ dân còn được nhận nhiều phần quà từ các đơn vị, nhà hảo tâm như: ti vi, nồi cơm điện, quạt gió, gạo… để phục vụ nhu cầu thiết yếu trong gia đình.
Tại buổi nhận quyết định trao nhà, nhiều gia đình không dấu nổi vui mừng khi “giấc mơ” có nhà ở kiên cố đã trở thành hiện thực. Gia đình bà Thị Thốt dân tộc S'tiêng, trước kia ở thôn 3, xã Phú Văn, cuộc sống vô cùng khó khăn. Bà Thị Thốt và các con ở căn nhà tạm bợ làm bằng cây lồ ô, vách tre luôn bị dột mỗi khi mùa mưa về.
Thu nhập chủ yếu nhờ cạo mủ cao su, cạo vỏ lụa điều, đến mùa lại đi nhặt hạt điều tươi thuê. Hiện gia đình có 5 khẩu, thu nhập phần lớn nhờ con trai đi cạo mủ cao su. Bà Thịt Thốt chia sẻ: “ Cuộc sống gia đình khó khăn lắm.
Từ khi chồng mất, gia đình ăn không đủ no, ngày nào lo cho ngày đó. Hiện tại chỉ đi làm thuê để có tiền mua gạo và một số chi tiêu khác. Có được căn nhà kiên cố, tôi và các con mừng lắm. Gia đình tôi sẽ cố gắng làm ăn, chăn nuôi thêm tại nơi ở mới để cuộc sống ổn định hơn”.
Gia đình ông Nông Xuân Báo (43 tuổi), dân tộc Tày phấn khởi khi tận tay nhận quyết định sở hữu căn nhà "mơ ước" mà gia đình chưa bao giờ nghĩ tới. Ông Nông Xuân Báo cho biết: “Có được nhà ở kiên cố này, gia đình tôi vui mừng lắm.
Trước kia ở nhà thuê rất bất tiện. Điều kiện kinh tế khó khăn, chỉ đi làm thuê, không có tiền làm nhà, mua đất. Nhờ chính quyền các cấp quan tâm, gia đình tôi mới có nhà mới ở. Có nhà ở kiên cố, các con tôi không lo cái nắng cái mưa thất thường nữa, không lo mỗi khi trời rét về. Tôi sẽ cố gắng làm ăn và chăn nuôi thêm để cuộc sống ổn đỡ khổ”.
Đại tá Đặng Công Bầu, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế Quốc phòng 778 đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục vận động nhân dân đóng góp lắp hệ thống điện, nước và chấp hành tốt mọi đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Chính quyền địa phương cần phối hợp với huyện, Đoàn 778 tổ chức mở lớp đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, tạo việc làm cho đồng bào, phát huy tinh thần tự lực, tự cường tích cực sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp, đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới; tăng cường kiểm tra, quản lý, hướng dẫn đồng bào sử dụng nhà đúng mục đích, mang lại ý nghĩa chính trị cao để nhân rộng trong toàn huyện.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bù Gia Mập Phạm Hồng Khanh cảm ơn, ghi nhận những tấm lòng nhân ái, những nghĩa cử cao đẹp của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh; nhất là các doanh nghiệp, doanh nhân đã tích cực hưởng ứng hỗ trợ nhà ở cho người nghèo và chương trình an sinh xã hội.
Huyện vẫn có 3 xã, 22 thôn đặc biệt khó khăn, dân trí còn thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Vì thế, huyện mong muốn được các cơ quan, đơn vị, mạnh thường quân tiếp tục chung tay vì người nghèo để có nhiều ngôi nhà tình thương thấm đượm tình người, nhiều phần quá ý nghĩa.
Tiểu khu 119, tính từ cuối 2015 đến nay có 120 căn nhà ở đã bàn giao cho các hộ đồng bào thiểu số nghèo không có đất ở, đất sản xuất. Đến nay nhiều hộ gia đình đã thoát cảnh nghèo đói, cuộc sống ngày càng ổn định hơn nơi cũ.