Biến rác thải thành tài nguyên

Mặc dù chưa thống kê được chính xác lượng chất thải rắn được tái chế tại Việt Nam, nhưng tại hội thảo “Tái chế chất thải tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức” do Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và Môi trường tổ chức hôm qua (11/12) tại Hà Nội, Phó Viện trưởng Nguyễn Thế Chinh khẳng định đây là một nguồn tài nguyên rất lớn nếu chúng ta biết khai thác hợp lí.

 

Người tiêu dùng vẫn ngại sử dụng sản phẩm tái chế


Hiện nay, đa số chất thải rắn được sử dụng để tái chế là phế liệu, chất thải công nghiệp. Phần chất thải không có giá trị tái chế sẽ được đưa đi chôn lấp hoặc thiêu đốt. Theo ông Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Quản lí chất thải thông thường, Cục Quản lí chất thải và cải thiện môi trường (Tổng cục Môi trường), hầu hết chất thải của các ngành sản xuất công nghiệp đều có khả năng tái chế rất cao. Trong đó, khả năng tái chế của thủy tinh, giấy, nhựa là 100%, của gỗ, dệt may, cơ khí cũng lên đến 90 - 95%. Tuy nhiên, tỉ lệ chất thải được tái chế trong thực tế còn khá thấp.


Một số tỉnh, thành đã được đầu tư xây dựng nhà máy xử lí chất thải rắn để chế biến thành phân bón, đem lại những hiệu quả tích cực trong việc giảm thiểu chất thải rắn phải đem đi chôn lấp, hạn chế ô nhiễm môi trường. Mặc dù vậy, theo ông Lâm, việc tái chế chất thải rắn làm phân bón vẫn chưa phát triển mạnh do chất lượng phân bón sản xuất ra chưa cao, có lẫn nhiều vụn thủy tinh, kim loại. Đồng thời, thị trường tiêu thụ của loại phân này còn hạn chế do chỉ phù hợp với cây công nghiệp hoặc cải tạo những vùng đất bạc màu.


Ở Việt Nam, thị trường của các sản phẩm tái chế đã xuất hiện khá phổ biến, từ những đồ dùng tái chế từ kim loại (sắt thép, đồ nhôm) đến những sản phẩm tái chế từ nhựa, giấy, thủy tinh... Tuy nhiên, do chưa có sự phân tách rõ ràng đâu là thị trường của sản phẩm tái chế, đâu là thị trường của sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu lần đầu; đồng thời, bộ quy chuẩn về chất lượng sản phẩm tái chế từ rác thải mới đang xây dựng, chưa hoàn thiện là một trở ngại khiến người tiêu dùng còn e dè với các sản phẩm tái chế. Còn ông Nguyễn Thế Chinh khẳng định, không có sự thả nổi về chất lượng các loại sản phẩm hàng hóa được tái chế từ chất thải.

 

Tạo động lực cho doanh nghiệp tái chế rác


“Tỉ lệ tái chế chất thải của Việt Nam còn thấp so với các nước. Người dân không có ý thức phân loại rác tại nguồn trong khi doanh nghiệp thiếu nguyên liệu để tái chế, thậm chí phải nhập khẩu”, ông Nguyễn Thế Chinh nói. Theo ông Chinh, một đề án về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên môi trường đang được xây dựng, trong đó có đề cập nội dung thay đổi nhận thức của người dân về giá trị của rác thải cũng như sự cần thiết về tái chế rác thải. Ông Chinh cũng cho rằng cần tạo những điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động tái chế rác thu lợi nhuận thông qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.


Thông tư của Bộ Tài chính số 121/2008/TT-BTC ngày 12/12/2008 đã có nhiều cơ chế ưu đãi và hỗ trợ tài chính cho hoạt động đầu tư quản lí chất thải rắn như hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, từ nguồn tín dụng ưu đãi, ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp… Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Lâm, hoạt động tái chế rác thải tại Việt Nam hiện nay còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chưa được quản lí chặt chẽ nên có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Các cơ sở tái chế đa số là quy mô nhỏ và vừa, đa phần là các hộ sản xuất cá thể tại các làng nghề với công nghệ lạc hậu, thủ công.


Ông Lâm kiến nghị, cần nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ xử lí, tái chế chất thải phù hợp với điều kiện Việt Nam; nghiên cứu, nhân rộng các công nghệ sản xuất sạch, thân thiện với môi trường. Còn theo ông Nguyễn Thế Chinh, phát triển thị trường sản phẩm tái chế phải gắn bó chặt chẽ với nguồn nguyên liệu. Vì vậy, chính sách hướng tới phải coi chất thải là nguồn tài nguyên và cần được phân loại, làm sạch tại nguồn để cung cấp đủ nguyên liệu cho thị trường sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chất thải tái chế.


Hoàng Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN