*Nam Định: Người già cũng mắc bệnh tay chân miệng
Ông Khương Thành Vinh, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế Nam Định) cho biết: Bệnh tay chân miệng ở Nam Định đã "tấn công" sang người lớn. Điển hình trường hợp của ông Nguyễn Đức An, 62 tuổi ở xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường. Ban đầu, ông An có những biểu hiện như sốt cao, mỏi mệt, tiêu chảy, sau đó nổi mẩn đỏ và các nốt phỏng nước...Hiện ông An được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
Nam Định đã có 69 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng được ghi nhận. Ngành y tế Nam Định đã dành 200 triệu đồng để mua sắm thêm 2.000 khẩu trang, 1.000 găng tay và trang phục phòng hộ, 200 bộ xét nghiệm lấy mẫu chẩn đoán, 100 lít dung dịch súc họng...Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng sẵn sàng 1 tấn Chloramin B chuyển xuống các địa phương khi bệnh lan; 2 xe ô tô công tác và lấy mẫu, xử lý ổ bệnh; 10 máy phun đa năng.
Nam Định cũng bố trí các khu cách ly, điều trị ở Bệnh viện đa khoa tỉnh, lên kế hoạch cử cán bộ, bác sỹ Bệnh viện Nhi tỉnh sang hỗ trợ, phối hợp điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Ngành y tế phối hợp với ngành giáo dục triển khai tuyên truyền mạnh trong các trường mầm non, cấp hoá chất phòng dịch cho một số trường đã xuất hiện bệnh...
* Trà Vinh : Nỗ lực của ngành y tế chưa đủ đảm bảo chặn được đà lây lan của bệnh
Sở Y tế tỉnh Trà Vinh cảnh báo: Hiện bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng lan rộng trong tháng 9 này, nếu không được tích cực đồng loạt thực hiện các biện pháp phòng chống. Toàn tỉnh đã có 324 ca mắc, tăng 36 ca so với 7 ngày trước, phần lớn ở vùng nông thôn, có tới 82% là trẻ dưới 3 tuổi.
Sở Y tế tỉnh đã tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế từ tuyến xã, phường, thị trấn về kỹ năng tuyên truyền, công tác giám sát, xử lý ổ dịch bệnh. Bệnh viện đa khoa tỉnh cũng đã hướng dẫn cho các bác sĩ trạm y tế, bác sĩ khoa nhi ở bệnh viện huyện về chẩn đoán, cách điều trị bệnh tay chân miệng. Cung cấp đảm bào cơ số thuốc Humaglobin cho Bệnh viện đa khoa tỉnh và Cloramin B cho trung tâm y tế huyện, thành phố.
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Văn Thăng, Phó Giám đốc Sở Y tế Trà Vinh, những nỗ lực này của ngành y tế tỉnh vẫn chưa thật sự đảm bảo, bởi bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh hiện tại vẫn chưa được khống chế mà còn có chiều hướng gia tăng.
Ngành y tế tỉnh rất cần sự phối hợp hỗ trợ của các sở, ngành liên quan và các cấp chính quyền địa phương trong công tác giám sát và tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh.
Trước mắt, cần có sự phối hợp tích cực của ngành giáo dục tỉnh để triển khai thực hiện công tác giám sát, kiểm tra về vệ sinh, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường mẫu giáo, nhà trẻ, cơ sở giáo dục./.
Mỹ Bình - Phúc Sơn