Bảo vệ quyền của lao động nhập cư các khu công nghiệp - Bài 2: Nhiều sáng kiến giúp công nhân

Trung tâm phát triển và hội nhập (CDI), phối hợp cùng Tổng Liên đoàn Lao động và tổ chức Oxfam đoàn kết Bỉ đã triển khai các mô hình nhằm bảo vệ quyền cho lao động nhập cư ở một số khu công nghiệp. Đa số người lao động sau khi tham gia đã nắm được các quyền lợi chính đáng của mình để chủ động yêu cầu, đề xuất với các bên liên quan. Những mô hình này cần được triển khai trên diện rộng và pháp lý hóa các nội dung.


Các mô hình hiệu quả


Sát khu công nghiệp Nam Sách (Hải Dương) là nhà văn hóa thôn Độc Lập (xã Ái Quốc, TP Hải Dương). Ba năm trước, nhà văn hóa thôn được kết hợp, trở thành địa chỉ sinh hoạt của công nhân khu công nghiệp Nam Sách.

 

Sinh hoạt tập thể tại khu nhà trọ của công nhân KCN Yên Phong, Bắc Ninh. TL


Một “kiốt thông tin” được xây dựng, với tủ sách pháp luật, các bảng tin, bàn tư vấn... tạo cơ hội cho người lao động tiếp cận các thông tin về pháp luật (chủ yếu liên quan tới quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động), kinh tế, xã hội, giải trí, việc làm.


8 giờ tối, tại kiốt, anh Tuấn, nam công nhân của KCN Nam Sách vừa tra cứu thông tin trên máy tính, vừa cho biết: “Tôi đang tìm hiểu quy định về bảo hiểm thất nghiệp. Tại đây, tôi có thể truy cập thông tin từ máy tính nối mạng hoặc mượn tài liệu của tủ sách pháp luật; hoặc có thể gửi câu hỏi trực tiếp về những vấn đề còn thắc mắc của mình cho các luật sư trực tại đây 1 buổi/tuần”.


“Kiốt thông tin giúp công nhân lao động nâng cao nhận thức về quyền của mình, là nơi để công nhân sinh hoạt tập thể cũng như tìm kiếm các giải pháp cho những vấn đề còn vướng mắc của cá nhân”, ông Đỗ Văn Sanh, Phó Ban Tuyên giáo (Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương) nhận xét.


Trong 3 năm, hơn 4.500 tờ rơi, tờ gấp liên quan đến pháp luật và các chính sách an cư xã hội đã được phát cho công nhân lao động và người dân. Hình thức tờ rơi tờ gấp tỏ ra rất có hiệu quả và được công nhân lao động đón nhận, bởi đặc thù của công nhân là không có nhiều thời gian đến đọc sách luật ngay tại kiốt. Hơn 750 lượt công nhân lao động và người dân truy cập Internet miễn phí và tìm hiểu về chính sách pháp luật, chủ yếu liên quan tới lao động. Kết hợp cùng mô hình sức khỏe sinh sản - góc thân thiện (trước đó) của nhà văn hóa, kiốt cũng tiến hành phát bao cao su, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe sinh sản và giáo dục kỹ năng sống cho thanh niên. Các buổi sinh hoạt văn hóa của công nhân thu hút cả người dân sở tại. “Nhiều người dân nói vui, “tị nạnh” với công nhân, sao có nhiều chương trình hấp dẫn thế, chúng tôi có thể tham gia được không” - ông Sanh kể lại.


Tại các địa phương khác thuộc Hà Nội, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc, các hoạt động nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền của lao động nhập cư cũng đã được tổ chức. Đó là mô hình sinh hoạt nhóm công nhân; mô hình tư vấn lưu động; tư vấn pháp luật online; mô hình đối thoại... Một nhóm công nhân tự quản tại Kiên Thành (Gia Lâm, Hà Nội) đã tự tổ chức tiết kiệm gây quỹ, tiền lương mỗi người hàng tháng trích mươi ngàn, kết hợp thu gom giấy vụn, vỏ chai tại nơi sản xuất... để hỗ trợ lẫn nhau khi cần, dù chỉ 1 - 2 triệu đồng cho mỗi trường hợp. Tại đây, các công nhân còn thành lập được chi hội phụ nữ của riêng mình.


Đặc biệt, mô hình đối thoại giữa người lao động với chính quyền địa phương nơi cư trú và với doanh nghiệp thu được nhiều hiệu quả. Theo ông Nguyễn Ngọc An, Phó Ban Tuyên giáo (Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh), khi được tổ chức tại ngay nơi công nhân sinh sống, công nhân có thể tự tin nói lên vấn đề của mình, đồng thời được cung cấp thông tin để hiểu nghĩa vụ của mình.

Doanh nghiệp, chính quyền cũng hiểu và chia sẻ hơn với người lao động. Tại khu công nghiệp Nam Sách (Hải Dương), trong buổi đối thoại với doanh nghiệp và địa phương với công nhân, công nhân phản ánh: Việc địa phương tiêm phòng cho trẻ em cố định vào ngày 25 hàng tháng là rất khó khăn cho chị em công nhân. Do đó, doanh nghiệp đã có giải pháp về thời gian để người lao động nhập cư có thể đưa con đi tiêm chủng. Hoặc việc giá điện, nước trong các khu nhà trọ tăng gấp đôi, gấp ba... Sau đó, chính quyền địa phương đã can thiệp.


Cần nhân rộng


Trên thực tế, các mô hình này vẫn còn không ít khó khăn khi triển khai.


Theo ông Đỗ Văn Sanh, mô hình tại Hải Dương còn gặp nhiều khó khăn, ví như công nhân tăng ca nhiều, nên các sinh hoạt ngoài giờ thường phải tổ chức khá gấp; công nhân tại các tổ công nhân tự quản thường xuyên biến động; bên cạnh đó là kinh phí tổ chức các hoạt động của các nhóm tự quản cũng rất khó khăn.


Ông Nguyễn Mạnh Quý, cán bộ Liên đoàn lao động Vĩnh Phúc trần tình: “Trước năm 2000, Vĩnh Phúc có 30 cuộc đình công/năm nhưng năm 2013 chỉ còn 8 cuộc đình công tập thể. “Các mô hình nay đã hết thời hiệu. Đề nghị cơ quan chức năng thấy mô hình có lợi thì tiếp tục tham mưu để triển khai rộng”.


Theo ông Nguyễn Ngọc An, (Phó ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh), cần xây dựng một cơ chế đối thoại mang tính hiểu biết và hợp tác, để hóa giải kịp thời bức xúc của công nhân, tạo quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Công đoàn cần phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra một cách có hiệu quả các doanh nghiệp trong việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động, việc kiểm tra phải thực hiện công khai, thâm nhập thực tế dưới nhiều hình thức mới có kết quả.


Bàn về cách nâng cao hiệu quả của hoạt động tư vấn pháp luật lưu động, ông Vũ Ngọc Hà, (Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai) kiến nghị: Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cần thừa nhận đội ngũ công nhân nòng cốt trong việc tuyên truyền này, và nghiên cứu, xây dựng chế độ, dù ít dù nhiều đối với đội ngũ công nhân đó bởi họ hoạt động thực sự hiệu quả và có vai trò như các cán bộ công đoàn cơ sở, trong khi họ cũng rất khó khăn. Với các mô hình tốt, cần được Tổng Liên đoàn tổ chức các hội thảo nhằm chia sẻ với các địa phương khác.

 Thùy Hương

Bài cuối: Đảm bảo chính sách xã hội cho người lao động

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN