Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người dân tộc Thái ở bản Mác, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương (Nghệ An). Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Theo đó, tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo tồn văn hóa dân tộc; tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, phát huy các vốn quý văn hóa dân tộc; nhân rộng các mô hình điểm, cách làm hay trong công tác bảo tồn văn hóa dân tộc.
Ngoài ra, tỉnh thực hiện việc kiểm kê, lập hồ sơ khoa học các di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương nhằm nhận diện và xác định mức độ tồn tại, đưa ra các giải pháp bảo tồn, phát huy.
Tỉnh Nghệ An có 5 dân tộc thiểu số gồm Thái, Mông, Thổ, Khơ Mú và Ơ Đu, sinh sống ở 11 huyện, thị xã miền núi trong tỉnh. Văn hóa dân tộc trên địa bàn các huyện miền núi đa dạng, phong phú. Công tác bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc được tỉnh quan tâm, trong đó, nhiều giá trị văn hóa vật thể cũng như phi vật thể như dân ca, dân nhạc, dân vũ, văn học dân gian, văn hóa lễ hội, tiếng nói, chữ viết, trang phục, kiến trúc… của các dân tộc được kiểm kê, bảo tồn.
Tuy nhiên, hiện nay, tại địa phương, việc bảo tồn văn hóa dân tộc đang gặp nhiều khó khăn, nhiều giá trị văn hóa đang có nguy cơ thất truyền hoặc thất lạc. Đơn cử như văn hóa kiến trúc nhà sàn cổ có nguy cơ thất lạc do việc có nhiều người ở thành phố, thị xã lên các huyện miền núi tìm mua nhà sàn để buôn bán kiếm lời, một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt đã bán đi những nếp nhà sàn, có những nhà đã được dựng lên trước đó hàng trăm năm.
Khắc phục tình trạng trên, cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo tồn văn hóa dân tộc, tỉnh Nghệ An sẽ nghiên cứu để ban hành một số chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc; lựa chọn một số làng, xã tiêu biểu để lập các mô hình bảo tồn văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch.