Những cô gái dân tộc bên vẻ đẹp quyến rũ của hoa Tam giác mạch trên cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN |
Là tỉnh miền núi, biên giới cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có diện tích tự nhiên gần 8.000 km2 với địa hình hiểm trở, chia cắt mạnh, giao thông đi lại rất khó khăn. Tỉnh có 6 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, có 9 huyện với 136 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 của Chính phủ.
Số hộ nghèo chiếm 38,75%, hộ cận nghèo chiếm 12,86% áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều. Được sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương, sự đoàn kết, đồng lòng cao của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, 7 tháng đầu năm 2017 tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục duy trì và phát triển ổn định.
Hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch của Hà Giang được tổ chức sôi nổi, rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có 69 di sản được xếp hạng, trong đó có 3 bảo vật quốc gia, 52 di tích và 14 di sản văn hóa phi vật thể.
Từ đầu năm 2017 đến nay, tỉnh Hà Giang đang khẩn trương hoàn thiện nhiều hồ sơ di tích triển khai bảo tồn văn hóa phi vật thể quốc gia, Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch trọng điểm quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định. 7 tháng qua, lượng khách du lịch đến Hà Giang đạt trên 620.155 lượt người, trong đó khách quốc tế là 107.153 nghìn lượt người; doanh thu từ du lịch đạt trên 554 tỷ đồng…
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh nhấn mạnh: Hà Giang luôn quan tâm, chú trọng bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng, tỉnh đã tập trung phát huy lợi thế, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch và cơ sở vật chất sẵn có; huy động nhiều nguồn lực để phát triển toàn diện kinh tế du lịch theo hướng vừa đầu tư, vừa khai thác, thực hiện đa dạng hóa các loại hình du lịch.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Hà Giang vẫn còn là tỉnh nghèo đặc biệt khó khăn. Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giúp đỡ tỉnh hoàn thiện quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, hỗ trợ đầu tư nâng cấp một số di tích lịch sử, hỗ trợ quảng bá về du lịch của Hà Giang ra nước ngoài...
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện ghi nhận và đánh giá cao sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực của Hà Giang trong phát triển thiết chế văn hóa, phục dựng và bảo tồn những nét văn hóa đậm đà bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương.
Hà Giang là tỉnh được thiên nhiên ưu đãi rất nhiều phong cảnh đẹp, Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng để hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch phát triển, trong thời gian tới Hà Giang cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích, lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể; nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa truyền thống, tăng cường công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, phát triển các sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch, thực hiện tốt công tác xã hội hóa, đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích để phục vụ khai thác hoạt động du lịch.
Hà Giang cần xây dựng các tour, tuyến, điểm, khu du lịch, các làng văn hóa du lịch cộng đồng, sản phẩm văn hóa dân tộc đặc trưng theo hướng bảo tồn, phát huy giá trị của Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Trước đó, đoàn công tác đã đến viếng Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên, Hà Giang.