Lạng Sơn là tỉnh miền núi có khí hậu tự nhiên ôn hòa, rất phù hợp với nhiều cây thảo dược quý, hiếm như: đẳng sâm, kê huyết đằng, xuyên khung... Tuy nhiên trong những năm gần đây, do tình trạng khai thác các loại cây dược liệu quý, hiếm mọc tự nhiên trong rừng với phương thức tận diệt như: Cắt cành, nhổ cây, đào gốc, rễ nên các cánh rừng ở Lạng Sơn đã mất đi một lượng lớn những cây thuốc quý.
Ông Nguyễn Thanh Sản, Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền, Chủ tịch Hội Đông y Lạng Sơn, cho biết: Hội Đông y tỉnh đã có vườn thuốc nam, nhưng ở đây chỉ trồng những cây thuốc theo danh mục (vườn thuốc mẫu) quy định của Bộ Y tế. Do vậy, Hội đã có đề án xây dựng một vườn bảo tồn dược liệu, nhằm giữ gìn và phát triển các loại cây thuốc quý trên địa bàn. Hội đã khảo sát và tìm được địa điểm thích hợp để bảo tồn cây dược liệu với diện tích khoảng hơn 3 ha. Vườn thuốc bảo tồn dược liệu sẽ là nơi nuôi trồng, chăm sóc và phát triển các loại cây dược liệu, đặc biệt là những cây đang có nguy cơ bị mai một. Ngoài những cây thuốc sẵn có, Hội Đông y sẽ vận động đồng bào các dân tộc sưu tầm các loại cây thuốc quý hiếm và đã được đồng bào sử dụng có hiệu quả từ nhiều đời nay mang về đây trồng.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có khoảng trên 200 loại cây thảo dược, trong đó có nhiều cây thuốc quý không nằm trong danh mục Dược điển Việt Nam. Khi tiếp nhận các cây thuốc quý về trồng, Bệnh viện Y học Cổ truyền sẽ xây dựng “lý lịch” cho từng loại như tên cây, tiếng dân tộc Tày gọi là gì, dân tộc Dao gọi là gì... và tên khoa học là gì; phương thức sử dụng ra sao, chế biến thế nào...; đồng thời lấy mẫu mang về Trung ương để phân tích, đánh giá công năng cũng như tác dụng đối với những loại cây thuốc chưa có trong danh mục Dược điển Việt Nam.
Đề án xây dựng Vườn bảo tồn dược liệu của Hội Đông y tỉnh Lạng Sơn góp phần tuyên truyền, vận động người dân nhận thức, hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo vệ các loài thảo dược quý, hiếm, tránh khai thác một cách tận diệt.
Thái Thuần