Tiếp theo đó, tại điều 11 của Nghị định 72/2016 có đưa ra quy định: “Tổ chức, cá nhân tổ chức triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh tại Việt Nam phải có giấy phép triển lãm do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp”.
Cách quy định, giải thích trong Nghị định 72/2016 còn chưa rõ giữa việc triển lãm ảnh và đăng ảnh chơi trên Internet. Theo ông Vi Kiến Thành, cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm (đơn vị tham gia soạn dự thảo Nghị định 72/2016) chia sẻ với giới truyền thông thì khi đăng ảnh trên Facebook mà có hình thức phổ biến, giới thiệu, quảng bá cho nhiều người thì buộc phải xin phép.
Còn chuyện đăng vài tấm ảnh chơi thì đó là việc cá nhân. Vậy như thế nào gọi là triển lãm ảnh trên Internet? Nhiều nhà nhiếp ảnh không đồng tình về vấn đề này vì cho rằng cần phải xét triển lãm ở góc độ thương mại hay phi thương mại. Hoặc, không thể đánh đồng việc có ảnh đẹp đăng lên mạng giao lưu với hội, giới nhiếp ảnh thì cũng cho là triển lãm. Điều này cũng rất khó phân định khi cơ quan chức năng yêu cầu phải xin giấy phép. Có nhiếp ảnh gia thắc mắc về việc mỗi ngày đăng hàng loạt ảnh trên mạng xã hội Facebook, Instagram, Twitter,… thì liệu Bộ VH-TT&DL có cấp phép xuể không? Và có tính khả thi không khi giả dụ một cuộc triển lãm trên Internet bị buộc ngưng (vì không có giấy phép) nhưng “hiện trường” đã bị mọi người lưu về các thiết bị công nghệ hoặc phát tán ở một trang mạng khác như là “triển lãm bản sao”?
Không riêng gì các nhiếp ảnh gia mà ngay cả những bạn yêu thích chụp ảnh, selfie, cứ mỗi chuyến đi chơi, hoặc thường nhật đăng lên Facebook hàng trăm bức ảnh liệu phải xin phép? Vì khó nhận định được đó là ảnh triển lãm (xin giấy phép) hay là ảnh đăng chơi (không xin giấy phép). Lại có trường hợp, một nhóm bạn yêu thích chụp ảnh về các chủ đề về trai xinh gái đẹp, du lịch, ẩm thực… lập một hội Fanpage trên Facebook chỉ để “triển lãm”, chính xác hơn là chia sẻ cho nhau xem chứ không nhằm mục đích kinh doanh, thu hút quảng cáo thì liệu có xin giấy phép?
Có thể cơ quan chủ quản đang “đi trước một bước” trong việc chấn chỉnh “đăng ảnh lung tung” trên mạng Internet. Hoặc răn đe cá nhân hay tổ chức khi lợi dụng không gian mạng để đăng ảnh triển lãm nhằm một mục đích nhất định khi không thông qua cơ quan chức năng. Hoặc kiểm soát tuyệt đối đối với cá nhân, tổ chức có hình thức tiêu cực tuyên truyền chống phá Nhà nước ta bằng cách triển lãm ảnh (hình thức này ban quản trị Facebook không chặn). Tuy nhiên, nghị định này chưa ổn, còn nhiều lỗ hổng, nhập nhằng trong việc giải thích ở điều, khoản như đã nêu trên. Thiết nghĩ, trước khi ban hành các văn bản pháp luật, các cơ quan liên quan cần phải tính toán kỹ, thông qua thăm dò ý kiến dư luận, người trong cuộc và các chuyên gia. Đừng để khi Nghị định được thi hành mới phát hiện ra nhiều lỗ hổng thì lúc đó đã muộn.