Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu, giúp các bệnh viện tuyến trên giảm được tình trạng quá tải trầm trọng, từ nay đến năm 2015, Bộ Y tế sẽ xây dựng tối thiểu 80 mô hình Bác sĩ gia đình (BSGĐ) và sẽ tiến tới mở rộng trên toàn quốc vào năm 2020. Tuy nhiên, để mô hình phát triển như mong đợi, hẳn ngành y tế và các địa phương còn rất nhiều việc phải làm.Bài 1: Dịch vụ y tế mới
Người dân tin tưởng, tìm đến với những cơ sở y tế theo mô hình BSGĐ ngày một nhiều hơn, đó là thành công bước đầu của mô hình y tế đã thành công ở nhiều nước nhưng đến nay vẫn còn khá mới lạ tại Việt Nam.Mục sở thị Phòng khám BSGĐ tại BV quận 2, TP Hồ Chí Minh, dễ nhận thấy những người bệnh đến Phòng khám đều rất thoải mái và hài lòng với việc đón tiếp, khám chữa bệnh của các cán bộ y tế nơi đây. Phòng khám được trang trí đẹp, hiện đại, bệnh nhân ngồi chờ ở ghế sofa và được khám trong phòng máy lạnh; cán bộ y tế luôn nhẹ nhàng, thời gian bệnh nhân và bác sỹ trao đổi về bệnh tình và biện pháp điều trị cũng nhiều hơn thường lệ...
Người dân tìm đến với phòng khám BSGĐ ngày một nhiều hơn. Ảnh: Đan Phương |
Là một trong những bệnh nhân “ruột” của phòng khám BSGĐ, BV quận 2, cô Nguyễn Thị Hơn, ngụ Nguyễn Thị Định phường Bình Trưng Tây, quận 2 chia sẻ: “Cách đây 6 tháng, tôi được nhân viên y tế tư vấn tới khám tại Phòng khám theo mô hình BSGĐ này. Sau đó, tôi thường xuyên tái khám ở đây vì thời gian chờ đợi ngắn, khi vào khám lại được bác sỹ tư vấn rất kỹ, hướng dẫn tận tình về cách ăn uống cũng như các biện pháp phòng bệnh... Nhờ vậy, tôi đã yên tâm điều trị, bệnh tình cũng thuyên giảm nhiều”.
BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV quận 2 cho biết: Từ tháng 10/2012, BV quận 2 thí điểm mô hình Phòng khám BSGĐ, bước đầu đã tạo được lòng tin của người dân. Ban đầu, BV chỉ có 2 bàn khám với khoảng 30 - 40 bệnh nhân đến khám mỗi ngày. Nhưng đến nay, số lượng bệnh nhân đến khám đã tăng rõ rệt với trên 100 bệnh nhân/ngày nên BV phải mở thêm 2 bàn khám nữa. Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ở mỗi bàn khám BSGĐ, BV còn trang bị máy camera để cán bộ y tế có thể trao đổi trực tiếp với các BV tuyến trên hoặc phòng khám BSGĐ ở các BV khác”.
Trong giai đoạn 2013 - 2015, Bộ Y tế sẽ thí điểm thành lập phòng khám BSGĐ theo các mô hình: Phòng khám BSGĐ tại khoa khám bệnh của BV đa khoa; phòng khám BSGĐ lồng ghép với trạm y tế xã, phường, thị trấn; phòng khám BSGĐ tư nhân theo cụm dân cư. Mục tiêu đặt ra là thành lập được ít nhất 80 phòng khám BSGĐ tại các tỉnh, thành phố tham gia dự án; sau đó, từ năm 2016 - 2020 sẽ nhân rộng mô hình ra toàn quốc. |
Tại Hà Nội, sau khi Bộ Y tế có chủ trương thí điểm mô hình BSGĐ (năm 2012), ngành y tế Thủ đô cũng đã lên kế hoạch, triển khai mô hình ở một số trạm y tế (TYT) xã, phường, phòng khám đa khoa khu vực quận/huyện và phòng khám tư nhân. So với TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác, mô hình BSGĐ hiện còn khá xa lại với nhiều người dân Thủ đô, nhưng tại các điểm triển khai thí điểm, sau khi được cán bộ y tế tuyên truyền về lợi ích của mô hình thì phần lớn bà con đều hào hứng tham gia.
BS Lê Bắc, Trưởng tuyến y tế cơ sở Sở xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội cho biết: “Do khuôn khổ của mô hình thí điểm nên TYT xã Dục Tú chỉ nhận quản lý 100 bệnh nhân theo mô hình BSGĐ, hiện còn nhiều người dân khác trên địa bàn cũng muốn tham gia. Sau khi nghe chúng tôi giải thích, bà con hiểu rằng BSGĐ không phải lúc nào cũng đến khám tại nhà bệnh nhân, vấn đề quan trọng là người tham gia mô hình này sẽ được hướng dẫn chăm sóc sức khỏe ban đầu, được phát hiện bệnh sớm và theo dõi sức khỏe liên tục. Như vậy, sẽ tránh được tình trạng bệnh nặng mới đi khám, người bệnh sẽ giảm được chi phí khám bệnh, thời gian đi lại và giảm cả quá tải BV”.
Theo chân BS Lê Bắc đến nhà một người dân tham gia mô hình ở thôn Đồng Dầu, xã Dục Tú, chúng tôi được bà Vũ Thị Ánh Tuyết cho biết: “Nếu mô hình BSGĐ được triển khai rộng hơn thì không có gì tốt bằng vì chúng tôi sẽ được dự phòng, phát hiện bệnh và điều trị sớm. Như gia đình tôi, may có lần khám sàng lọc của BSGĐ dịp cuối năm 2012 thì mới phát hiện ra con trai tôi bị bệnh ung thư phổi. Được BSGĐ chuyển tuyến kịp thời, sức khỏe cháu giờ đã ổn định, nếu không, thực sự không biết chuyện gì đã xảy ra...”.
Theo TS Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, quá trình triển khai thí điểm mô hình BSGĐ tại một số địa phương như Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh... cho thấy, nếu tuyến y tế cơ sở, nhất là trạm y tế được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực được đào tạo bài bản, thì nơi đó chắc chắn sẽ thu hút được bệnh nhân. Đơn cử như tại Thừa Thiên - Huế, nhờ sự hỗ trợ kinh phí của một số tổ chức quốc tế, các TYT tại đây đã được xây mới khang trang gồm 2 tầng và tăng cường các trang thiết bị y tế đi kèm. Các cán bộ y tế tuyến cơ sở cũng yên tâm công tác hơn, số lượng bệnh nhân đến khám tại trạm y tế ngày một tăng. Chính vì vậy, các BV tuyến tỉnh và một số chuyên khoa “nóng” tại Thừa Thiên - Huế không xảy ra tình trạng quá tải trầm trọng như ở các tỉnh, thành phố khác.
“Xuất phát từ thực tiễn triển khai mô hình BSGĐ ở nước ta và kinh nghiệm ở các nước trên thế giới cho thấy, phát triển mô hình BSGĐ chính là một hướng đi hiệu quả nhất để giảm quá tải bệnh viện. BSGĐ là những cán bộ y tế gần dân nhất, phát triển mô hình phòng khám BSGĐ trên cả nước sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh ban đầu, giúp người dân được chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục, đặc biệt được hướng dẫn phòng bệnh chủ động, tích cực”, TS Tường khẳng định.
Do đó, đại diện Bộ Y tế khẳng định, chiến lược của ngành y tế trong thời gian tới là phát triển mô hình BSGĐ song song cùng với việc tăng cường nguồn lực cho y tế cơ sở. Nhưng theo khảo sát của phóng viên báo Tin Tức, để có thể nhân rộng mô hình BSGĐ trên toàn quốc vào năm 2020 và góp phần giảm quá tải BV như mục tiêu “Đề án Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ” mà Bộ Y tế đã đặt ra, thì ngành y tế và các địa phương sẽ phải khắc phục không ít vướng mắc vẫn luôn hiện hữu.
Phương Liên - Đan Phương
Bài 2: Vượt qua tồn tại, khẳng định mô hình mới