Đại biểu đại diện các nền kinh tế dự cuộc họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Tại phiên họp này, các đại biểu dự kiến sẽ thảo luận nội dung tuyên bố sẽ được thông qua tại các hội nghị quan trọng sắp tới (gồm Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC (MRT), Hội nghị Bộ trưởng APEC (AMM) và Hội nghị Lãnh đạo Kinh tế APEC (AELM)) và các đóng góp của APEC cho Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 11 (MC11).
Bên cạnh đó, các đại biểu sẽ cho ý kiến về thời gian biểu cho việc xây dựng các báo cáo về các tiến bộ đạt được của các nền kinh tế trong việc thực hiện các Mục tiêu Bogor, Tầm nhìn của APEC về thương mại và đầu tư sau năm 2020 cũng như kế hoạch công tác trong năm 2017 về Hiệp thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) và văn bản khung về tạo điều kiện cho thương mại điện tử xuyên biên giới…
Đối với vấn đề kết nối và tạo thuận lợi thương mại, các đại biểu thảo luận về việc kết nối chuỗi cung ứng; trong đó có việc thực hiện và giám sát tiến bộ đạt được trong quá trình thực hiện SCFAP giai đoạn 2.
Các vấn đề quan trọng khác sẽ được bàn thảo trong ba ngày diễn ra phiên họp này gồm: hội nhập kinh tế khu vực, kết nối và tạo thuận lợi thương mại và thúc đẩy quá trình đổi mới trong khu vực APEC.
Theo báo cáo sơ kết giai đoạn 2 về tiến bộ của APEC hướng tới các Mục tiêu Bogor, Nhóm hỗ trợ chính sách APEC (PSU) cho biết, trong giai đoạn 1994-2014, tổng giá trị trao đổi hàng hóa trong khu vực đã tăng bình quân 7,8%/năm, đạt mức 18.400 tỷ USD vào năm 2014; trong đó đáng chú ý trao đổi nội khối tăng gấp 4 lần. Tốc độ tăng trưởng về kim ngạch thương mại trong lĩnh vực dịch vụ cũng đạt mức 7,6%/năm.
Bên cạnh đó, mức thuế MFN trung bình trong khu vực đã giảm gần một nửa, từ 11% năm 1996 xuống còn 5,5% năm 2014. Tỷ trọng các dòng sản phẩm được hưởng mức thuế suất 0% ở APEC tăng từ 27,3% năm 1996 lên 45,4% vào năm 2014.
Đến cuối năm 2015, các nền kinh tế APEC đã tham gia 152 hiệp định thương mại tự do (FTA)/hiệp định thương mại khu vực (RTA); trong đó có 61 RTA/FTA được ký kết giữa các nền kinh tế thành viên APEC.