Khẳng định vai trò của công tác nghiên cứu
Chủ tịch Mạng lưới các Trung tâm nghiên cứu APEC Việt Nam, Giám đốc Trung tâm APEC Việt Nam Trần Việt Thái cho biết: Hiện nay, công tác nghiên cứu của các trung tâm nghiên cứu APEC đang ngày càng được đẩy mạnh và coi trọng. Hội nghị thường niên của các trung tâm nghiên cứu APEC đã khẳng định vai trò của công tác nghiên cứu trong bối cảnh và xu hướng của thế kỷ XXI. Bên cạnh đó, hầu hết các trung tâm nghiên cứu APEC đều đặt ở các viện nghiên cứu, trường đại học lớn, nơi sinh viên hình thành định hướng nghề nghiệp và đóng góp cho sự phát triển khối thịnh vượng chung APEC trong tương lai.
Theo ông Trần Việt Thái, các chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu thuộc 61 trung tâm APEC đã tiến hành đánh giá về tình hình phát triển thương mại trong khu vực, đặc biệt là những thách thức đặt ra gần đây đối với quá trình thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và triển vọng của lĩnh vực này trong thời gian tới.
Mục tiêu ngắn hạn của Trung tâm nghiên cứu APEC Việt Nam là tổ chức thành công các sự kiện trong Năm APEC 2017; giúp tăng cường giao lưu, trao đổi học thuật giữa các nhà nghiên cứu, phục vụ cho việc hoạch định chính sách; đẩy mạnh công tác quảng bá về APEC trong giới trẻ, gắn các nội dung liên quan đến APEC với công tác giảng dạy, đào tạo. Trong mục tiêu dài hạn, các trung tâm nghiên cứu APEC sẽ duy trì vai trò là kênh liên lạc hoạt động hiệu quả, tăng cường các khâu thông tin, góp phần thúc đẩy, nâng cao nhận thức, hiểu biết về các vấn đề APEC nói chung trong cộng đồng, thực hiện mục tiêu đưa APEC đến gần hơn với người dân.
Thiết thực với người dân, doanh nghiệp
Bà Nguyễn Nguyệt Nga, Cố vấn Ban Thư ký APEC 2017 cho rằng, trong thế kỷ XXI – thế kỷ của công nghệ số, vai trò của các nhà nghiên cứu càng được khẳng định hơn bao giờ hết. Họ là những người tiên phong đi trước, hoạch định các chính sách, tạo cơ sở để các nhà chính sách xây dựng các chương trình và kế hoạch tiếp theo. Vì vậy, không gian nghiên cứu đối với họ phải rộng mở. Việc bị giới hạn sẽ khiến họ mất đi sự sáng tạo.
Theo bà Nguyễn Nguyệt Nga, hiện nay, nhiều trung tâm nghiên cứu APEC nhận thức được nhu cầu xác định lại cấu trúc khu vực và vai trò của APEC. Do đó, các nhà nghiên cứu cần quan tâm tới những nghiên cứu sẽ góp phần tăng cường hợp tác APEC một cách thiết thực, nhất là trong các hoạt động thúc đẩy tăng trưởng bền vững, liên kết khu vực sâu rộng. Trong giai đoạn mới của thế kỷ XXI, sự phát triển của công nghệ số và thế giới phẳng sẽ tạo ra khuôn khổ và không gian liên kết rất lớn. Vì vậy, các mối quan tâm chủ chốt mà APEC hướng tới sẽ có nhiều khác biệt. Tuỳ theo các trung tâm nghiên cứu, từng nền kinh tế thành viên APEC phát triển hay đang phát triển sẽ có những nhu cầu cụ thể. Tuy nhiên, điểm chung của các trung tâm nghiên cứu APEC là mong muốn APEC không chỉ hiệu quả mà còn thiết thực với người dân, doanh nghiệp trong khu vực.
Tháo gỡ các rào cản trong quá trình hợp tác
Ông Clayton Harrington, Trưởng Thư ký Hội đồng cấp cao Australia cho rằng: Mạng lưới các trung tâm nghiên cứu APEC đã cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích về việc xác định xu hướng chung của khu vực, những chính sách đang hoạt động hiệu quả và thiếu hiệu quả trong giai đoạn hiện nay cũng như những phương án để các nền kinh tế thành viên APEC cùng hợp tác nhằm giải quyết thách thức.
Trong đó, những trở ngại lớn nhất của các nền kinh tế APEC được Mạng lưới các trung tâm nghiên cứu APEC đưa ra hiện nay là vấn đề kinh tế phát triển không đồng đều giữa các nền kinh tế thành viên; tìm giải pháp phân phối đồng đều lợi ích mà quá trình hội nhập thương mại mang lại cho các nền kinh tế thành viên; cũng như tận dụng cơ hội khác nhằm tháo gỡ các rào cản đối với quá trình hợp tác phát triển giữa các nền kinh tế thành viên APEC.