APEC 2017: Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khai khoáng

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN bên lề Hội nghị lần thứ 11 của Nhóm đặc trách về khai khoáng (MTF) tại Hà Nội, các đại biểu đều nhấn mạnh tầm quan trọng của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và sự cần thiết phải tăng cường hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên APEC trong lĩnh vực khai khoáng.

Bà Adriana Rocio Aurazo Castaneda, quan chức của Bộ Năng lượng và Mỏ Peru, khẳng định APEC là “một diễn đàn hữu ích” và sự kiện lần này của APEC có ý nghĩa “quan trọng để chúng tôi hợp tác với các nền kinh tế khác xây dựng các chính sách và khuôn khổ pháp luật tốt hơn cho các hoạt động khai khoáng ở Peru”.

Cùng chung quan điểm đó, ông Annuwat Wattanawan, quan chức của Vụ các ngành công nghiệp cơ bản và mỏ (Bộ Công nghiệp Thái Lan) khẳng định, việc các nền kinh tế thành viên APEC có thể ngồi lại với nhau và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này rất hữu ích.

Các đại biểu trong Nhóm đặc trách về khai khoáng trao đổi bên lề hội nghị diễn ra hôm 9/5. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Mặc dù vậy, ông Annuwat Wattanawan cho rằng hoạt động của Nhóm đặc trách về khai khoáng (MTF) chưa hiệu quả. Ông nói: “Mặc dù APEC đã bắt đầu thảo luận về vấn đề hợp tác trong lĩnh vực này (khai khoáng) từ hơn 10 năm trước nhưng mọi việc mới chỉ bắt đầu và đây vẫn là cách tốt để tiếp tục duy trì hợp tác”.

Một trong những nguyên nhân khiến MTF chưa mạnh như kỳ vọng là do sự khác biệt về trình độ phát triển trong ngành công nghiệp khai khoáng giữa các nền kinh tế APEC.

Vì vậy, theo ông Annuwat Wattanawan, tại cuộc họp này, các thành viên APEC đã được phân loại thành hai nhóm, gồm nhóm các nền kinh tế giàu tài nguyên khoáng sản như Peru, Canada, Mỹ và nhóm các nền kinh tế ít tài nguyên khoáng sản hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan.

Liên quan tới vấn đề đổi mới của các doanh nghiệp khai khoáng, ông Annuwat Wattanawan cho biết, đổi mới trong ngành khai khoáng tùy thuộc vào quy mô và ngân sách của các doanh nghiệp.

Theo quan chức này, các công ty lớn nhất có thể chi nhiều tiền hơn cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và hoạt động sáng tạo. Trong khi đó, các công ty khác không có tiền chi cho các hoạt động này và buộc phải thích nghi.

Ông Annuwat Wattanawan cũng cho biết tại thời điểm hiện nay, ngành công nghiệp khai khoáng đã có những công nghệ để sản xuất nhiều loại khoáng sản có giá trị gia tăng cao nhưng lại có tác động ít hơn tới môi trường và xã hội.

Được thành lập vào năm 2007, MTF bao gồm các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia của chính phủ và các viện nghiên cứu, đại diện các doanh nghiệp khai khoáng và các tổ chức khu vực, quốc tế.

Hội nghị lần thứ 11 của MTF là một hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện lớn thứ 2 của Năm APEC 2017 đang diễn ra tại Hà Nội.

Lê Minh-Quốc Huy (TTXVN)
APEC 2017: Hợp tác trong lĩnh vực lao động, đảm bảo an sinh xã hội
APEC 2017: Hợp tác trong lĩnh vực lao động, đảm bảo an sinh xã hội

Ngày 12/5, tại Hà Nội, Hội thảo về giáo dục, dạy nghề và an sinh xã hội do Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực tổ chức đã diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM2) Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và các cuộc họp liên quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN