Hồi 17 giờ 30 phút ngày 19/7, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện khẩn số 22, nêu rõ:
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy Văn Trung ương, hồi 16 giờ ngày 19/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,0 độ vĩ bắc: 112,0 độ kinh đông, trên khu vực vùng biển phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20 km. Đến 16 giờ ngày 20/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,6 độ vĩ bắc; 108,4 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh- Quảng Trị khoảng 220 km về phía đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động. Từ ngày 20/7, vùng biển vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ chiều tối và đêm 20/7 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Để chủ động đối phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các bộ:
Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền. Tìm mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Khu vực nguy hiểm do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trong 24 giờ tới được xác định là vùng biển phía bắc Vĩ tuyến 14, vùng nguy hiểm trên sẽ được điều chỉnh tùy theo diễn biến của áp thấp nhiệt đới.
Các tỉnh ven biển căn cứ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, chủ động xem xét việc cấm tàu thuyền ra khơi phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt là đối với các tàu thuyền nhỏ hoạt động ven bờ.
Các tỉnh miền núi phía bắc và Bắc Trung Bộ cần chủ động kiểm tra, rà soát các hồ chứa (đặc biệt là các hồ đập vừa và nhỏ, các hồ đập đã xảy ra sự cố, đang thi công), hầm mỏ; tổ chức lực lượng kiểm tra, canh gác tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực thường bị ngập sâu, các bến đò, ngầm qua sông, suối để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.