Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) đã triển khai và áp dụng thành công kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (còn gọi là kỹ thuật ECMO) trong điều trị hội chứng nguy ngập hô hấp cấp và viêm cơ tim cấp nhằm hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn trong khi chờ đợi sự phục hồi chức năng của phổi và tim.
Đây được xem là biện pháp cứu cánh cuối cùng trong điều trị và hồi sức cấp cứu đối với những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Bệnh nhân nữ N.T.A (34 tuổi) là công nhân Khu công nghiệp Tân Bình nhập viện Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 28/2 trong tình trạng mệt và khó thở. Tại đây, bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán là viêm cơ tim do virus choáng tim nặng và tim bị suy giảm sức co bóp, suy đa cơ quan.
Sau đó, bệnh nhân được chuyển vào Khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện với tình trạng huyết áp tụt rất thấp, không nâng lên được mặc dù đã phải duy trì thuốc vận mạch liều cao, kèm với thuốc tăng co bóp cơ tim.
Suy hô hấp của bệnh nhân phải hỗ trợ bằng máy thở, các cơ quan khác trong tình trạng suy rất nặng, do giảm tưới máu hậu quả của tình trạng suy tim nặng và kéo dài. Bệnh nhân còn xuất hiện thêm tình trạng rối loạn nhịp nguy hiểm (rung thất) được shock điện chuyển nhịp tim rất nhiều lần.
Với bệnh lý suy tim nặng và suy hô hấp của bệnh nhân này, các bác sĩ chỉ định sử dụng kỹ thuật ECMO. Nghĩa là máu được rút ra khỏi bệnh nhân từ một tĩnh mạch lớn và cho chạy qua một màng lọc (có chức năng giống như lá phổi, sẽ cho máu gắn kết với oxy) thuộc hệ thống máy ECMO, sau đó được đưa trở lại cơ thể bệnh nhân qua đường động mạch cùng với hồi sức tim phổi.
Sau khi ECMO hỗ trợ, tình trạng huyết động của bệnh nhân ổn định dần, tình trạng rối loạn nhịp cũng được kiểm soát đồng thời với thuốc chống rối loạn nhịp. Bệnh nhân diễn tiến tốt hơn được cai ECMO sau 7 ngày và ngày 11/4 đã xuất viện.
Mới đây, ngày 23/3, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nữ V.N.H (23 tuổi, quê ở huyện Tri Tôn, An Giang) trong tình trạng mệt, khó thở và đang mang thai 36 tuần.
Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi nặng, trong tình trạng nguy kịch. Đến ngày 24/3, bệnh viện tiến hành mổ sinh, kết thúc thai kỳ cho bệnh nhân. Bé gái sinh ra khỏe mạnh và được chuyển qua dưỡng nhi tại Bệnh viện Hùng Vương.
Ngay sau đó, bệnh nhân được chỉ định điều trị ECMO, phải thay 3 lần màng lọc, đến ngày 29/4, bệnh nhân được cai ECMO và hiện vẫn đang theo dõi điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu.
Bác sĩ Trương Dương Tiển, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, kỹ thuật này được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân bị suy hô hấp cấp nặng mà những phương pháp điều trị thông thường như thở máy không cải thiện được tình trạng oxy hóa máu.
Bên cạnh đó, kỹ thuật này còn được sử dụng trong trường hợp viêm cơ tim, suy tim cấp mà các phương pháp cũ không cải thiện được huyết áp và huyết động của bệnh nhân. Trước đây, trong những trường hợp như thế này thì bệnh nhân sẽ tử vong.
Kỹ thuật này được Hội đồng khoa học Bệnh viện Chợ Rẫy thông qua từ năm 2011 và sau đó được áp dụng trong điều trị. Từ đó đến nay, đã có hơn 20 bệnh nhân được áp dụng kỹ thuật này tại bệnh viện với tỷ lệ cứu sống trong hỗ trợ hô hấp là 75% và hỗ trợ tim là 67%.
Kỹ thuật này được chỉ định cho những bệnh lý về tim, phổi có khả năng hồi phục, không áp dụng cho trường hợp bệnh nhân bị ung thư phổi giai đoạn cuối, bệnh cơ tim giãn nở.
Chi phí một màng lọc hiện nay khoảng 85 triệu đồng, sử dụng trong khoảng 14 ngày. Chi phí này vẫn rẻ hơn so với các kỹ thuật lọc máu khác như lọc thận. Đây cũng là dịch vụ y tế kỹ thuật cao mới được áp dụng nên hiện bảo hiểm y tế vẫn chưa thực hiện thanh toán.
Đây cũng là kỹ thuật cao nhất và tương đối phức tạp trong hồi sức cấp cứu, đòi hỏi sự phối hợp nhuần nhuyễn của những bác sĩ được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn cao mới thực hiện được. Hiện ở khu vực phía Nam chỉ có Bệnh viện Chợ Rẫy áp dụng thực hiện kỹ thuật này.
Hứa Chung (TTXVN)