Trong một ngày cuối tháng 4, phóng viên Tin tức có dịp gặp gỡ với một cựu chiến binh từng lập nhiều chiến công tại chiến trường Xiêng Khoảng (Lào) và chiến trường Quảng Trị trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ông là Lê Quang Tạo, sinh năm 1952, trú tại Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội.
Sau câu chuyện về những năm tháng hào hùng thời mưa bom bão đạn, ông Tạo vẫn còn đôi chút băn khoăn; bởi thuộc diện được xét tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân nhưng vì những lý do về thủ tục mà cho đến nay, ông Tạo vẫn chưa được nhận danh hiệu cao quý này.
Lập nhiều chiến công
Tiếp chúng tôi tại nhà riêng vào một ngày hè oi ả, kỷ niệm về những năm tháng hào hùng đời quân ngũ lại hiện về trong ông. Ông Tạo kể: Vào năm 1967, mặc dù là đối tượng được hoãn nhập ngũ (vì ba người anh trai của ông đang tham gia chiến đấu), nhưng ông vẫn làm đơn tình nguyện xin ra mặt trận. Đến cuối năm 1968, nguyện vọng của ông được đáp ứng khi được biên chế vào Tiểu đoàn 26 Bộ Tư lệnh Thủ đô. Sau 3 tháng huấn luyện, ông Tạo được chuyển về Tiểu đoàn 13, Bộ Tư lệnh Đặc công. Đến tháng 4/1969, đơn vị của ông nhận lệnh sang làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Lào, cụ thể là ở cánh đồng Chum, tỉnh Xiêng Khoảng.
Ông Lê Quang Tạo (ngoài cùng bên phải) trò chuyện với các tướng lĩnh và cựu chiến binh trong buổi gặp mặt các cựu chiến binh và chuyên gia quân sự từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Lào.Ảnh do nhân vật cung cấp |
Ngày 24/6/1969, ông Tạo tham gia trận đánh đầu tiên. Nhờ được huấn luyện kỹ càng, với khí thế sôi sục tiêu diệt giặc và lòng dũng cảm, ông Tạo cùng 3 đồng đội trong đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bắt sống 25 tên địch giao cho quân đội cách mạng Lào.
Đến tháng 9/1969, Tiểu đoàn 13 của ông được điều động về chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Tại đây, ông và đồng đội đã tham gia chiến đấu tại các cao điểm: Đầu Mầu, 360, 402, 544 và căn cứ Cồn Tiên Dốc Miếu. Tại chiến trường đầy máu lửa ấy, ông Tạo tiếp tục phát huy lòng dũng cảm, sự mưu trí và tinh thần tiên phong. Nhờ lập được nhiều chiến công, ông được giao nhiệm vụ chỉ huy tiểu đội. Trong thời gian này, Trung đoàn 2 thám báo của ngụy tràn xuống hòng tiêu diệt lực lượng đặc công của ta. Trong tình thế nguy cấp, đồng chí Đại đội phó giao cho ông chỉ huy một tiểu đội tại cao điểm 402. Tại đây, tiểu đội do ông chỉ huy đã lập chiến công xuất sắc: Tiêu diệt 68 tên thám báo, giành quyền kiểm soát cao điểm này.
Đến tháng 10/1970, ông Tạo cùng đồng đội được điều động quay trở lại cánh đồng Chum làm nhiệm vụ. Tại nước bạn, ông đã tham gia chiến đấu tại các cao điểm: 1900A, 1900B, 2000, Phu Lũng Mạc, trận địa pháo Thái Lan, bản Mèo, bản Na. Đáng chú ý là trong trận bản Na, ông Tạo được giao nhiệm vụ quan trọng: Đánh bộc phá, báo lệnh mở màn chiến dịch.
Ông Tạo cho biết, trong quá trình chiến đấu (ở cả hai chiến trường Xiêng Khoảng (Lào) và Quảng Trị), ông luôn gương mẫu, dũng cảm và lập được nhiều chiến công. Ông được nêu gương điển hình và được xét tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Đến cuối năm 1971, ông được đơn vị cử đi dự Đại hội mừng công tại Con Cuông, Nghệ An. Tại đây, ông được xét tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hồ sơ, giấy tờ đề nghị phong tặng danh hiệu này cho ông được đồng chí Nguyễn Văn Được - khi đó là trợ lý chính trị Tiểu đoàn - giao cho Trưởng phòng chính sách mặt trận 959. Cuối năm 1972, Bộ Tư lệnh 959 quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào đã gửi hồ sơ lên Bộ Quốc phòng đề nghị phong tặng danh hiệu này cho ông. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại nước bạn Lào, Bộ Tư lệnh 959 và Tiểu đoàn đặc công 13 đã giải thể. Kể từ đó đến nay, việc xem xét, đề nghị phong tặng danh hiệu cao quý này cho ông Tạo bị đình trệ. Bản thân ông Tạo cũng không nhận được bất cứ thông tin gì về việc mình còn thuộc diện được xem xét tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân hay không, hay hồ sơ của ông đã thất lạc.
Mong nhận được hồi âm
Ông Trịnh Quang Phong, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Trâu Quỳ, cho biết: Hội Cựu chiến binh thị trấn đã xem xét các giấy xác nhận của thủ trưởng đơn vị của ông Tạo cho thấy những thành tích trong chiến đấu của ông Tạo là có thật. Tuy nhiên, trong những năm qua, ông chưa được hưởng chế độ và chưa được phong danh hiệu mà đơn vị ông trước đây đã đề nghị. Hội Cựu chiến binh thị trấn Trâu Quỳ mong các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết để ông Tạo đỡ thiệt thòi.
Nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh 959 quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào, nguyên Chính ủy Tư lệnh 959, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương đã có văn bản xác nhận: “Đồng chí Tạo đã chiến đấu dũng cảm và đạt được nhiều thành tích. Việc đơn vị gửi hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Tạo để làm tấm gương học tập cho toàn lực lượng vũ trang quân đội là đúng sự thật”. Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương khẳng định: Đây là người thực, việc thực và đề nghị các cơ quan chức năng xem xét để những người có công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như ông Tạo khỏi thiệt thòi. Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương cũng đã có đơn gửi Bộ Quốc phòng đề nghị xem xét phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho ông Lê Quang Tạo.
Qua Báo Tin tức, ông Tạo mong cơ quan chức năng sớm xem xét và hồi âm để ông biết trường hợp của ông có đủ điều kiện được xét tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân hay không, hay hồ sơ của ông đã thất lạc và hướng xử lý hiện nay như thế nào? |
Sau đó, Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị) đã có văn bản số 399/TH-TĐKT gửi Ban liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào. Trong văn bản này, Cục nêu rõ: Tiểu đoàn 13 và Bộ Tư lệnh 959 quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào (đơn vị quản lý trực tiếp ông Tạo trong chiến đấu) đã giải thể nên không còn cơ sở xác minh, thẩm định thành tích và làm thủ tục xem xét, đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho ông Lê Quang Tạo. Cục Tuyên huấn đề nghị Ban liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào cử đại diện làm việc với Phòng Thi đua - Khen thưởng và Bộ Tư lệnh Đặc công (đơn vị đầu tiên tiếp nhận ông Tạo sau khi ông hoàn thành khóa huấn luyện tại Bộ Tư lệnh Thủ đô) thống nhất chủ trương, biện pháp thực hiện việc xem xét, đề nghị phong tặng danh hiệu này cho ông Tạo.
Tuy nhiên, trong văn bản số 1072/ĐK-TĐ, Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Đặc công lại cho rằng, trước khi phục viên, ông Tạo thuộc biên chế của Bộ Tư lệnh 959 quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào. Như vậy, thành tích trong chiến đấu của ông Tạo và Tiểu đoàn 13 do Bộ Tư lệnh 959 quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào quản lý. Binh chủng Đặc công không tiếp nhận hồ sơ có liên quan đến Tiểu đoàn Đặc công 13 và cá nhân ông Lê Quang Tạo. Công văn cũng ghi rõ: “Binh chủng Đặc công không có cơ sở để làm hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Lê Quang Tạo. Đề nghị Ban liên lạc Cựu chiến binh quân tình nguyện và chuyên gia quân sự tại Lào liên hệ với Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị để xác minh, kiểm tra và có kết luận trả lời cho đồng chí Tạo”.
Ông Tạo tâm sự: “Bản thân tôi không muốn kể công, cũng không màng thành tích, nhưng khi đơn vị đã đề nghị lên cấp trên xét tặng danh hiệu cho tôi mà cho đến nay không có hồi âm rõ ràng thì bản thân tôi cũng không thấy thoải mái. Cho đến bây giờ, tôi cũng không rõ là tôi có đủ điều kiện để được xét tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân hay không? Hay là hồ sơ đề nghị xét tặng của tôi đã bị thất lạc. Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị thì đề nghị Bộ Tư lệnh Đặc công phối hợp với Ban liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào xem xét, đề nghị phong tặng danh hiệu cho tôi. Trong khi đó, Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Đặc công thì lại đề nghị Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị phối hợp với Ban liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào xem xét, đề nghị trường hợp của tôi. Cuối cùng cho đến nay, tôi không biết đơn vị nào, cơ quan nào sẽ đứng ra xem xét trường hợp của tôi vì đơn vị quản lý tôi trong thời gian tôi làm nhiệm vụ ở chiến trường Xiêng Khoảng và Quảng Trị thì đã giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ”.
Huyền Tím