Trong từng tác phẩm của mình, với những họa tiết, hình khối, đường nét riêng, sinh động, mạnh mẽ và phóng khoáng, người Cơ Tu không chỉ muốn gửi gắm vào đó những tâm tư, tình cảm, đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc mình mà còn muốn lưu giữ cho con cháu nghệ thuật điêu khắc độc đáo của dân tộc. Nghệ nhân ALăng Blêu ở thôn Gừng, thị trấn P’rao, huyện Đông Giang (Quảng Nam) là một người như thế. Anh được cộng đồng xem như là người giữ lửa nghệ thuật điêu khắc Cơ Tu.
Nghệ nhân ALăng Blêu chia sẻ: Các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu đứng trước nguy cơ mai một bởi nhiều yếu tố đã khiến nhiều người không khỏi lo ngại. Không thể ngồi nhìn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đang ngày bị lãng quên, ALăng Blêu tích cóp tiền bạc, tìm mua gỗ, vật liệu phù hợp và miệt mài quanh năm để tạo ra nhiều tác phẩm điêu khắc từ gỗ mang đậm dấu ấn văn hóa của dân tộc mình.
Giới thiệu về mô hình nhà Moong truyền thống của người Cơ Tu vừa làm xong trong vườn nhà, ALăng Blêu cho biết: Khôi phục lại nhà Moong của người Cơ Tu là để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại đang có nguy cơ mai một. Vì vậy, nhà Moong phải thể hiện được bản sắc văn hóa, tâm hồn khoáng đạt của người Cơ Tu trong từng chi tiết, họa tiết trang trí, vật liệu.
"Trong nhà Moong, các tượng người, tượng chim muông, thú rừng và các loại hoa văn bài trí đều phải mang hơi thở của đời sống sinh hoạt, sản xuất, đời sống văn hóa tinh thần của người Cơ Tu", nghệ nhân ALăng Blêu bộc bạch.
Sinh năm 1980, ALăng Blêu đến với nghệ thuật điêu khắc gỗ truyền thống của đồng bào Cơ Tu từ rất sớm. Từ ngày mày mò làm theo cha và những nghệ nhân điêu khắc trong làng truyền dạy, theo học từ “cây cổ thụ” nghệ nhân YKông, đến nay, ALăng Blêu đã có hơn 15 năm gắn bó với nghề điêu khắc. Không chỉ kế thừa, phát huy giá trị văn hóa điêu khắc của đồng bào Cơ Tu, nghệ nhân ALăng Blêu còn truyền niềm đam mê điêu khắc cho những người trẻ trong làng. Nhờ sự chỉ dạy tận tình của ALăng Blêu, đến nay, nhiều thanh niên trong vùng đã thành thạo trong việc tạo tác những tác phẩm điêu khắc như: Tượng người Cơ Tu đánh chiêng trong lễ hội, cõng con, giã gạo, tượng người Cơ Tu săn bắn, tượng người Cơ Tu múa “vũ điệu dâng trời đất tung tung da dá”, hay như mô hình nhà Moong, Gươl truyền thống.
Học trò của nghệ nhân ALăng Blêu, anh Arâl Vân, thôn Gừng, thị trấn Prao, huyện Đông Giang, Quảng Nam không giấu được niềm tự hào: “Đến học anh ALăng Blêu, em mới hiểu được giá trị truyền thống quý báu của dân tộc mình, cần phải giữ gìn cho các thế hệ mai sau, nếu không sẽ bị lãng quên”.
Miệt mài lao động sáng tạo với niềm đam mê và ý thức bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, nghệ nhân ALăng Blêu đã tạo ra nhiều tác phẩm điêu khắc có giá trị. Nhiều địa phương trong và ngoài huyện Đông Giang mời anh về sửa chữa, phục dựng lại nhà Moong, Gươl xuống cấp. Đặc biệt, những bộ tượng điêu khắc gỗ của ALăng Blêu được trưng bày, giới thiệu tại các bảo tàng ở Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng thu hút không ít khách tham quan, đã góp phần lớn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Cơ Tu.
Ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: Với sự nỗ lực trong công tác hỗ trợ nghệ nhân là người đồng bào dân tộc Cơ Tu giữ gìn và truyền bá các loại hình văn hóa độc đáo của mình, huyện Đông Giang đã tập hợp được gần 30 nghệ nhân tham gia các lớp chỉ dạy cho lớp trẻ về nghệ thuật, kỹ năng tạo tác các tác phẩm điêu khắc không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người Cơ Tu.
Đề án bảo tồn văn hóa Cơ Tu đến năm 2020 và những năm tiếp theo đều chú trọng đến việc giữ gìn điệu múa tâng tung da dá và nghệ thuật điêu khắc độc đáo này. Trong số những nghệ nhân đó, ALăng Blêu là người trẻ nhưng đam mê và có ý thức cao trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật điêu khắc, xứng đáng với nghệ danh Người giữ lửa nghệ thuật điêu khắc Cơ Tu được đồng bào quý mến tặng cho.