Theo chân già làng Bríu Nhai (68 tuổi) ở thôn Atu1, xã Ch’ơm - người có nhiều kinh nghiệm trong việc khai thác rượu Tr’đin vào sâu trong những cánh rừng nguyên sinh ở thôn Atu1, xã Ch’ơm để tìm những cây Tr’đin, chúng tôi có dịp tìm hiểu quá trình khai thác loại rượu độc đáo này.
Lấy rượu ở những cây tr'đin. |
Già làng Bríu Nhai cho biết: Cây Tr’đin phải mọc từ 4 - 5 năm tuổi thì mới bắt đầu cho khai thác nước từ thân cây. Đồng bào Cơ tu nơi đây thường đi lấy rượu Tr’đin vào buổi sáng sớm bởi đây là thời điểm cây cho nước nhiều nhất. Theo kinh nghiệm của đồng bào, ngọn cây Tr’đin ngả về hướng nào thì cắt phần thân gần ngọn cây hướng đó mới có nước, đồng thời đảm bảo cây vẫn phát triển xanh tốt. Cây Tr’đin cho nước quanh năm nhưng tùy thuộc vào thân cây, mỗi thân cây có thể cho từ 1-2 lít nước/ngày.
Khi khai thác, người dân dùng dao sắc trích vào thân cây Tr’đin và đặt một đường máng nhỏ dẫn nước từ thân cây vào một chiếc chai nhựa bỏ sẵn vỏ cây Chuôlr. Toàn bộ khu vực lấy nước trên thân cây Tr’đin sẽ được bao phủ bởi một lớp lưới để ngăn côn trùng thâm nhập. Sau đó, người dân sẽ lọc lại rượu qua một lớp vải sạch để rượu luôn có màu trắng đục tự nhiên.
Rượu Tr’đin có vị thơm dịu, hơi chát, có thể để từ 3 - 4 ngày, uống ngon hơn khi được ướp lạnh. Trưởng thôn Atu1 Tạ Ngôn Ươn cho biết, rượu Tr’đin từ lâu đã trở thành một nét văn hóa trong đời sống của đồng bào Cơ tu giữa núi rừng Trường Sơn. Trong các dịp lễ hội, khi mừng nhà mới, khi có khách quý tới chơi nhà… đều có rượu Tr’đin mời nhau thưởng thức. Hiện nay, cây Tr’đin là loại cây cho giá trị kinh tế, một lít rượu Tr’đin có giá bán tại chỗ là 15.000 đồng, có nhiều thời điểm không đủ để cung cấp cho thị trường.
Huyện Tây Giang đang khuyến khích và có nhiều chính sách hỗ trợ để đồng bào các dân tộc nơi đây mang giống cây Tr’đin trong rừng về trồng tại những khu vườn đồi của gia đình như một loại cây xóa đói giảm nghèo. Xã Ch’ơm cũng được huyện Tây Giang chọn là địa điểm xây dựng vườn ươm cây Tr’đin quy mô lớn với diện tích 2.000 m2 để cung cấp giống cây cho toàn huyện.