Ai Cập tăng cường an ninh đối phó với nguy cơ bạo loạn

Ngày 8/3, các nhà chức trách Ai Cập đã tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh ngay trước thềm một phiên tòa quan trọng, trong bối cảnh các cuộc biểu tình, đụng độ và phong trào đình công của lực lượng cảnh sát vẫn tiếp diễn tại nhiều địa phương.

An ninh đã được siết chặt tại tỉnh Port Said và thủ đô Cairo. Hãng thông tấn nhà nước MENA cho biết khoảng 2.000 nhân viên an ninh sẽ được triển khai xung quanh khu vực Học viện cảnh sát tại thủ đô Cairo - nơi tổ chức phiên tòa thứ hai xét xử 39 bị cáo còn lại liên quan đến thảm họa bóng đá xảy ra tại tỉnh Port Said vào đầu năm 2012 trong trận đấu giữa câu lạc bộ địa phương Al Masry và đội bóng Al Ahly đến từ Cairo.

Người biểu tình xung đột với cảnh sát ở Port Said, ngày 5/3. Ảnh: AFP/TTXVN


Trước đó, vào cuối tháng 1, bạo loạn nổ ra tại nhiều địa phương nằm dọc kênh đào Suez sau khi 21 bị cáo trong vụ án này bị tuyên án tử hình, khiến hơn 40 người thiệt mạng. Từ ngày 3/3, thành phố kênh đào Port Said cũng chứng kiến hàng loạt cuộc đụng độ giữa những người biểu tình và lực lượng cảnh sát sau khi Bộ Nội vụ quyết định chuyển số bị cáo trên sang giam giữ tại địa phương khác. Cho đến thời điểm này, ít nhất 8 người đã thiệt mạng, trong đó có 3 cảnh sát.

Bộ Trưởng Nội vụ Mohamed Ibrahim đã quyết định sa thải người đứng đầu Lực lượng An ninh Trung ương (CSF) Maged Nouh do không giải quyết được các cuộc biểu tình ngồi của hàng nghìn sĩ quan cấp dưới tại hàng loạt doanh trại trên cả nước, đồng thời bổ nhiệm ông Ashraf Abdallah lên thay thế. Theo nhật báo "Almasry Alyoum", tân Tổng tư lệnh CSF đã ngay lập tức tiến hành đàm phán với các sĩ quan chủ chốt của CSF và đồng ý đáp ứng các yêu cầu của họ.

Nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng mà ngành an ninh Ai Cập đang phải đối mặt, Bộ Nội vụ thông báo đã đề nghị lực lượng quân đội đảm trách việc bảo vệ các trụ sở cảnh sát tại tỉnh Port Said. Trong một tuyên bố đăng trên trang Facebook chính thức của mình, Bộ này cũng kêu gọi người dân địa phương này "làm dịu tình hình và đảm bảo an toàn cho tất cả các trụ sở cơ quan công quyền cũng như các cơ sở của tư nhân".

Cùng ngày, tại Port Said, hàng nghìn người đã đổ xuống đường phản đối cảnh sát dùng vũ lực đàn áp người biểu tình khiến nhiều người thiệt mạng, đồng thời gây sức ép với chính quyền trước thềm phiên tòa nói trên dự kiến diễn ra vào ngày 9/3. Người biểu tình phản đối chính quyền và Tổng thống Mohamed Morsi, đòi cảnh sát rút lui khỏi địa phương này. Quân đội sau đó đã thiết lập các vành đai an ninh xung quanh Sở cảnh sát và các trụ sở các cơ quan công quyền khác.

Các cuộc biểu tình và đụng độ cũng đã xảy ra tại thủ đô Cairo, thành phố Alexandria, Sharqiya... Tình hình càng trở nên phức tạp hơn khi khoảng 60 đồn cảnh sát tại 10 tỉnh thành trên khắp cả nước, trong đó có 7 đồn tại Cairo, đã hưởng ứng phong trào đình công phản đối Bộ trưởng Nội vụ.

Hàng nghìn sĩ quan CSF vẫn tiếp tục cuộc biểu tình ngồi tại các tỉnh thuộc châu thổ sông Nile, bán đảo Sinai và các tỉnh nằm dọc kênh đào Suez. Đơn vị cảnh sát chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh xung quanh các trụ sở của tổ chức Anh em Hồi giáo tại một quận trung tâm của thủ đô Cairo và nhà riêng của Tổng thống tại tỉnh Sharqiya đã rút lui khỏi vị trí với lý do nhiệm vụ này không thuộc trách nhiệm của cảnh sát.

Theo các nhà phân tích, một phán quyết tương tự như tại phiên tòa thứ nhất được tổ chức vào ngày 26/1 có thể làm bùng nổ bạo loạn tại Port Said và Cairo trong bối cảnh tình hình đang hết sức căng thẳng tại hai địa phương này. Hàng nghìn cổ động viên câu lạc bộ Al Ahly dự kiến sẽ tập trung tại Cairo vào sáng 9/3, chỉ vài giờ trước khi tòa ra phán quyết.

Trong mấy tuần gần đây, các cổ động viên của hai đội bóng đối địch này đã có hàng loạt hoạt động nhằm gây sức ép lên chính quyền như bao vây tư gia cựu Bộ trưởng Nội vụ, tập trung biểu tình trước trụ sở cảnh sát của 10 tỉnh thành, tấn công và phóng hỏa nhiều xe cảnh sát...


TTXVN/Tin tức







Ai Cập quyết định hủy cuộc bầu cử quốc hội ngày 22/4
Ai Cập quyết định hủy cuộc bầu cử quốc hội ngày 22/4

Tòa án Hành chính Ai Cập hủy cuộc bầu cử quốc hội gây tranh cãi dự kiến diễn ra vào ngày 22/4 tới, đồng thời chuyển luật bầu cử mới sửa đổi lên Tòa án Hiến pháp Tối cao xem xét lại. Động thái này có nguy cơ đẩy đất nước Kim tự tháp rơi sâu hơn vào khủng hoảng chính trị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN