Cuộc bầu cử Quốc hội - chặng thứ ba và là chặng cuối cùng của lộ trình chuyển tiếp chính trị tại Ai Cập - sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch vào cuối năm nay. Theo phóng viên TTXVN tại Ai Cập, trong một phát biểu ngày 30/9, Thủ tướng Ai Cập Ibrahim Mahlab khẳng định Nội các "không có ý định trì hoãn" cuộc bầu cử này, đồng thời cho biết các công tác chuẩn bị về hậu cần và hành chính, trong đó có cả trụ sở Quốc hội, đang được tiến hành.
Thủ tướng Ai Cập Ibrahim Mahlab khẳng định Nội các "không có ý định trì hoãn" cuộc bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
|
Vào đầu tháng 6 vừa qua, tức chỉ vài ngày trước khi chuyển giao quyền lực cho Tổng thống đắc cử Abdel Fattah el-Sisi, Tổng thống lâm thời Adly Mansour đã thông qua Luật bầu cử quốc hội mới, theo đó dành tới 80% số ghế cho các ứng cử viên độc lập và 20% còn lại dành cho ứng cử viên của các đảng phái. Quy định này bị dư luận chỉ trích là nỗ lực nhằm làm suy yếu các đảng phái chính trị, trong đó phần lớn thành lập sau cuộc chính biến ngày 25/1/2011.
Luật trên cũng quy định Quốc hội gồm 567 thành viên, trong đó có 540 nghị sĩ được bầu và số còn lại sẽ do Tổng thống chỉ định. Ngoài ra, 24 ghế (chiếm 4%) sẽ dành cho các nghị sĩ người Cơ đốc giáo và ít nhất 12% tổng số ghế (tương đương 70 ghế) được dành cho các đại biểu nữ. Đạo luật này cũng cho phép Ủy ban Bầu cử quốc gia ấn định lịch trình tổ chức bầu cử cơ quan lập pháp của Ai Cập.
Kể từ tháng 6/2012, Ai Cập bị khuyết Quốc hội sau khi cơ quan lập pháp này bị giải tán theo một phán quyết của Tòa án Hiến pháp. Theo quy định của bản Hiến pháp mới được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý tổ chức vào đầu năm nay, bầu cử quốc hội sẽ được tổ chức trong vòng 6 tháng kể từ khi Hiến pháp có hiệu lực thi hành.
Trong một diễn biến khác, ngày 30/9, Tòa án Hình sự Cairo đã tuyên phạt 15 năm tù đối với 63 người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi và 10 năm tù đối với 5 người khác do liên quan đến các vụ bạo lực vào đầu tháng 10 năm ngoái. Những người này bị buộc tội giết người, âm mưu giết người, gây rối trật tự, âm mưu tấn công người dân và phá hoại tài sản.
Ngày 6/10/2013, các cuộc đụng độ bạo lực đẫm máu đã nổ ra tại Cairo và một số địa phương khác trong dịp kỷ niệm 40 năm cuộc chiến tranh với Israel. Đám đông người biểu tình ủng hộ ông Morsi đã tuần hành về quảng trường Tahrir, nơi hàng nghìn người ủng hộ quân đội đang tập trung. Đụng độ giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh đã khiến 57 người thiệt mạng và 268 người bị thương trên toàn quốc.
Cũng trong ngày 30/9, Tòa án Hình sự Minya, miền Nam Ai Cập, đã tuyên phạt 18 năm tù đối với 18 người ủng hộ ông Morsi với các tội danh phong tỏa giao thông, phá hoại cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp mới được tổ chức vào tháng 1 vừa qua và tham gia tổ chức khủng bố. Các bị cáo cũng buộc phải nộp phạt tổng cộng 135.000 bảng Ai Cập (18.800 USD).
Kể từ cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi vào năm ngoái, chính quyền Ai Cập đã tăng cường đàn áp đối với tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) và các lực lượng đồng minh. Hơn 1.400 người ủng hộ nhà lãnh đạo Hồi giáo này đã bị thiệt mạng trong các cuộc đụng độ đường phố với cảnh sát và khoảng 16.000 người bị bắt giam, trong đó có hơn 200 người đã bị tuyên án tử hình. Tháng 12 năm ngoái, MB đã bị Chính phủ Ai Cập liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Ngoài Đảng Tự do và Công lý - nhánh chính trị của MB - bị tòa án ra lệnh giải tán vào tháng 8 vừa qua, đảng Hồi giáo Istiqlal, một trong lực lượng thân cận với MB, cũng nhận phán quyết tương tự hôm 29/9.
TTXVN/Tin Tức