Agribank giúp doanh nhân, hộ gia đình gắn bó với nông nghiệp

Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa ở quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh ngày càng tăng nên diện tích đất giành cho nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Chính vì vậy, chính quyền địa phương đã có chính sách chuyển dịch ngành nghề sang các lĩnh vực có giá trị kinh tế cao như trồng bon sai cây cảnh, nuôi cá và ngành dịch vụ hỗ trợ.

Do đó, các chương trình kết nối ngân hàng -doanh nghiệp của UBND TP Hồ Chí Minh đã thực sự đem lại hiệu quả, tiếp sức cho doanh nhân muốn gắn bó với nông nghiệp.

Kết nối ngân hàng với doanh nhân

Chúng tôi đã thăm vườn mai Bích Huyền trên đường Bình Phú, Thủ Đức. Khu vườn xanh mát mắt với hàng trăm chậu mai có giá trị đang được công nhân chăm sóc lên mơn mởn cùng hàng trăm kiểu dáng, các thế cây khác nhau. Khu vườn này mới được nâng cao gần 1 mét để tránh ngập nước, không gây hại cho vườn mai. Nhờ được chăm sóc kỹ lưỡng, đúng quy trình kỹ thuật nên vườn mai của chị Huyền năm nào cũng ra hoa nở rộ đúng dịp Tết Nguyên đán.

Anh Nguyễn Văn Chí Công chủ vườn mai Chí Công vui với gốc mai trị giá hàng trăm triệu đồng vừa mới mua được.


Chị Nguyễn Thị Bích Huyền (chủ vườn mai Bích Huyền số 33 đường Bình Phú, Tam Phú, Thủ Đức) cho biết nhờ vốn vay theo chương trình hỗ trợ của thành phố mà gia đình chị đã chuyển sang đầu tư trồng trên 500 gốc mai lớn, rồi nâng cấp vườn để chống ngập… Được vay vốn ưu đãi nên dịp Tết Nguyên đán năm 2014 doanh thu khu vườn mai của chị Huyền đạt 1,6 tỷ đồng và chỉ riêng Tết năm 2015 đạt 1,3 tỷ đồng. Nhờ có vốn vay kịp thời nên khách hàng của chị ngày càng nhiều, lúc đầu chỉ có khách hàng ở khu vực Thủ Đức, nay đã có khách tận Hà Nội thuê mai cảnh chơi Tết cho gia đình, cơ quan. “Với mức hỗ trợ lãi suất như hiện nay thì kinh doanh mai như chúng tôi đỡ chật vật hơn do 1 quý mới phải đóng lãi suất 1 lần (UBND TPHCM hỗ trợ 80% lãi suất, người dân chỉ phải trả 20% cho ngân hàng - PV)”, chị Huyền cho biết thêm.

Khu vườn mai Chí Công (số nhà 41, đường 42, Phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức) của anh Nguyễn Văn Chí Công dù hơi khuất nẻo nhưng cũng luôn đông khách tìm đến mua mai hay thuê mai cảnh. Anh Chí Công hồ hởi dẫn chúng tôi ra xem 7 gốc mai mới mua đang ủ rơm, che nắng quanh gốc. Anh khoe: “Đây là 7 gốc mai rất đẹp, em canh mãi mới mua được. Giá mỗi gốc là 800 triệu đồng đó anh”. Thấy tôi lè lưỡi vì giá mỗi gốc quá sức tưởng tượng, Chí Công trấn an tôi: “Thực tế là em mua rẻ được ½ đó anh ơi. Vì hiện nay kiếm được mai gốc lớn, loại quý khó lắm. Mai đẹp thế này thì không lo gì cả vì khách hàng của em “chịu chơi” lắm. Mà khách hàng đã thích nên mình không còn phải lo giá cả đắt hay rẻ”. Cũng nhờ sự giới thiệu của Hội Nông dân quận Thủ Đức nên Chí Công đã vay được 1,5 tỷ đồng từ Agribank Thủ Đức với lãi suất ưu đãi theo Quyết định 13 của UBND TP Hồ Chí Minh. Nhờ đó, gia đình anh đã mở rộng diện tích vườn mai, đi thu mua gốc mai lớn về chăm sóc. Theo anh Công, mỗi vụ Tết Nguyên đán gia đình anh có thu nhập nhiều tỷ đồng từ bán mai, cho thuê mai cảnh.

Công nhân đang chăm sóc, cắt tỉa uốn cành tại vườn mai Bích Huyền.


Theo báo cáo của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh Thủ Đức (Agribank Thủ Đức), năm 2014 dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 270 tỷ đồng và đến quý 1/2015 giảm còn gần 250 tỷ đồng. Thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng -nông thôn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, thời gian qua Agribank Thủ Đức đã hỗ trợ khách hàng vay vốn nhằm phát triển kinh tế nông thôn. Trong tháng 2/2015 Agribank Thủ Đức đã ký kết mới đối với các hợp đồng đến hạn và điều chỉnh giảm lãi suất đối với 31 khách hàng đã vay trong năm 2014 với tổng vốn đầu tư hơn 112 tỷ đồng. Tính đến tháng 2/2015 Agribank Thủ Đức đã cho vay theo mức lãi suất cam kết 7%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 9%/năm đối với khoản vay trung và dài hạn.

Thực tế nhiều năm nay, dù chưa có chương trình kết nối nhưng Agribank Thủ Đức đã chủ động trong việc phối hợp với chính quyền địa phương tìm kiếm các khách hàng là doanh nghiệp, là hộ sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp nông thôn để cho vay. Và khi UBND TP Hồ Chí Minh triển khai các chương trình cho vay theo Quyết định 36/2011/QĐ-UBND và Quyết định 13/2013/QĐ-UBND thì kinh tế nông nghiệp đã tăng trưởng mạnh mẽ nhờ có sự phối hợp, giới thiệu của các tổ chức đoàn thể từ chính quyền địa phương. Chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh -Giám đốc Chi nhánh Agribank Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh cho biết: “Năm 2014, Agribank Thủ Đức đã thực hiện cho vay theo quyết định 36 (quyết định 36/QĐUBND-HCM) giúp hộ nông dân vay để sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi là 12,3 tỷ đồng với lãi suất hỗ trợ 117 triệu đồng; cho vay theo quyết định 13 (quyết định 13/QĐUBND-HCM) với số tiền trên 190 tỷ đồng với lãi suất hỗ trợ gần 3,3 tỷ đồng. Riêng quý 1/2015 dư nợ cho vay có hỗ trợ lãi suất là trên 50,5 tỷ đồng, mức lãi suất hỗ trợ của UBND TP Hồ Chí Minh là 815 triệu đồng”.

Tăng trưởng tín dụng bền vững

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, để tăng trưởng tín dụng bền vững, ngoài việc chăm sóc khách hàng cũ để đầu tư sâu thêm, thì khách hàng mới cần phải xem xét cân nhắc kỹ lưỡng để bảo đảm an toàn cho nguồn tín dụng. Bởi mức độ cạnh tranh trên địa bàn quận Thủ Đức được đánh giá là khá cao, đôi lúc rất khốc liệt.

Agribank Thủ Đức có 1 chi nhánh loại 2 và một chi nhánh loại 3, có 6 phòng giao dịch. Agribank Thủ Đức luôn quan tâm, phát triển thẻ và dịch vụ thẻ (chi nhánh có 12 máy ATM). Quý I/2015 số lượng thẻ nội địa còn hiệu lực là 14.703 thẻ, số lượng thẻ quốc tế còn hiệu lực là 234 thẻ. Giá trị giao dịch bình quân mỗi lần bằng thẻ là 3,65 triệu đồng. Agribank Thủ Đức có số lượng tài khoản tiền gửi thanh toán cá nhân 20.911 tài khoản và 701 tài khoản thanh toán của tổ chức. Các ATM của Agribank Thủ Đức đã đảm bảo và đáp ứng được nhu cầu rút tiền mặt sinh hoạt ngày càng cao của chủ thẻ ở khu vực này.

Tuy nhiên, Agribank Thủ Đức đã huy động được một lượng lớn khách hàng truyền thống, với uy tín thương hiệu và tranh thủ sự chỉ đạo, bám sát các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ và Chính quyền địa phương nên chi nhánh luôn dẫn đầu trong hoạt động tài chính ngân hàng trên địa bàn. Tình hình hoạt động của chi nhánh ổn định, nguồn vốn tăng trưởng đều đặn và bền vững trong tình hình cạnh tranh gay gắt. Nguồn vồn huy động từ dân cư luôn chiếm tỷ trọng cao (trên 80%) trên tổng nguồn vốn huy động của chi nhánh. Do đó nguồn vốn huy động của Agribank Thủ Đức mang tính ổn định cao, tăng trưởng bền vững.

Nói về định hướng trong thời gian tới, bà Hạnh cho biết: “Thời gian tới Agribank Thủ Đức tiếp tục cho vay các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ với chủ trương khuyến khích phát triển nông nghiệp nông thôn. Đồng thời, Agribank Thủ Đức cũng tích cực trong việc tiếp cận khách hàng trong địa bàn, hỗ trợ vay vốn cho các hộ nông dân có nhu cầu mở rộng sản xuất hoặc chuyển đổi cơ cấu sản xuất kinh doanh. Tất cả khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp nông thôn đều được hưởng lãi suất ưu đãi theo quy định”,

Thời gian qua, nhờ sự chủ động của UBND TP Hồ Chí Minh trong việc đưa ra các chương trình tín dụng ưu đãi, nên Agribank Thủ Đức có điều kiện tiếp cận khách hàng tốt hơn nhờ sự giới thiệu từ chính quyền cơ sở và các tổ chức đoàn thể. Từ đó, cơ hội để doanh nhân, các nông dân tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ lại tiếp tục được nhân rộng. Đồng vốn được quay vòng hiệu quả đã mang lại lợi ích thiết thực cho cả người vay và Ngân hàng. Hàng trăm hộ dân, doanh nghiệp và hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã được hưởng lợi, đồng thời Agribank Chi nhánh Thủ Đức có cơ sở để tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ hơn vào khu vực kinh tế tam nông của vùng Thủ Đức đang chuyển mình mạnh mẽ.

Nhuệ Giang và PV

Nông dân làm giàu nhờ nấm linh chi
Nông dân làm giàu nhờ nấm linh chi

Xã Bàu Trâm, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai là vùng căn cứ cách mạng, từng chịu nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh. Nhiều năm sau ngày giải phóng, người dân nơi đây luôn phải đối mặt với đói nghèo vì đất đai cằn khô, sản xuất bấp bênh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN