Nông dân làm giàu nhờ nấm linh chi

Xã Bàu Trâm, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai là vùng căn cứ cách mạng, từng chịu nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh. Nhiều năm sau ngày giải phóng, người dân nơi đây luôn phải đối mặt với đói nghèo vì đất đai cằn khô, sản xuất bấp bênh. Nhưng đến nay, vùng đất này đã được "lột xác", trở nên sầm uất và trù phú...

Chăm sóc nấm linh chi.


Một trong những nguyên nhân xã Bàu Trâm còn có tên gọi là Bàu Cằn chính vì sự nghèo đói đeo bám ở vùng đất này. Sau khi huyện Long Khánh được nâng cấp lên thị xã, vùng đất Bàu Trâm vẫn còn hoang vu. Thế nhưng từ một vùng đất đai khô cằn, hoang hóa, không có một căn nhà xây, Bàu Trâm đã trở thành vùng đất sầm uất.

Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh xã, các cán bộ tín dụng của Agribank Chi nhánh Long Khánh (Đồng Nai) cho biết: “Được thành lập từ ngày 1 - 1 - 2004, xã Bàu Trâm chỉ có 2 ấp là Bàu Trâm và Bàu Sầm, với 925 hộ dân sống chủ yếu bằng nghề nông. Thời điểm đó, số hộ nghèo chiếm đến 338/925 hộ. Hiện tại, số hộ dân ở Bàu Trâm tăng lên 950, với trên 5.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Chơ Ro chiếm 1/3. Thời gian trước, do thiếu kinh nghiệm trong sản xuất trên đất bạc màu nên sản lượng nông sản đạt thấp. 

Mặt khác, do phương tiện và đường giao thông chưa có khiến nông sản làm ra bị ép giá, phần lớn hộ dân thiếu đói triền miên. Sau này, chính quyền xã thường xuyên mở các lớp tập huấn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đồng thời kêu gọi người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng thâm canh. Từ đó, năng suất lúa đã tăng từ 55 - 60 tạ/héc ta (trước đây chỉ đạt 40 tạ/héc ta). Ngoài ra, các loại cây ăn trái, hoa màu cũng được người dân áp dụng kỹ thuật mới cho năng suất cao khiến diện tích cây trồng này liên tục tăng... Sản xuất ổn định và đạt hiệu quả nên đời sống người dân ở Bàu Trâm thay đổi từng ngày.

Bộ mặt của xã Bàu Trâm nay đã thật sự khởi sắc: các công trình hạ tầng như đường sá, cầu cống, điện, nước sạch... gần như đã hoàn thiện. Hàng trăm cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đang ăn nên làm ra. Ngoài ra, cụm công nghiệp được quy hoạch trên địa bàn xã đang từng bước hình thành, hứa hẹn những điều tốt đẹp cho nhân dân địa phương khi bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn...

Chính vì được tạo điều kiện của Agribank Chi nhánh Long Khánh trong vay vốn sản xuất kinh doanh nên nhiều hộ gia đình bây giờ không những đã thoát nghèo mà còn xây được nhà to cửa rộng. Toàn xã Bàu Trâm hiện có hơn 10 căn biệt thự và rất nhiều nhà cao tầng, nhà kiên cố.

Nói về quá trình thoát nghèo của gia đình, ông Võ Tấn Ngọc, chủ cơ sở sản xuất nấm mèo, nấm linh chi ở ấp Bàu Trâm tâm sự: "Gia đình tôi trước đây cơm không đủ ăn. Song, bắt đầu từ "nghiệp nấm", gia đình tôi đã không còn chịu cảnh "ăn đong" từng ngày. Chính nghề làm nấm đã giúp gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân trong xã thoát nghèo và có của ăn của để!". Hiện nay CLB nuôi trồng nấm mèo, nấm linh chi của xã Bàu Trâm có 30 hội viên, đều đã có “của ăn, của để”. Gia đình ông đã trở thành doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các loại nấm mèo, bào ngư, linh chi... nổi tiếng cả vùng, mỗi năm thu nhập gần 1 tỷ đồng. Ông Ngọc chỉ là một trong hàng chục gia đình nông dân ở Bàu Trâm trở nên giàu có nhờ sản xuất giỏi.

Trong khu sản xuất nấm linh chi của ông Ngọc, hàng chục công nhân đang chăm chút tỉa những mầm nấm linh chi. Những khu làm nấm được phân chia ngay hàng, thẳng lối trên khu nhà khoảng 10.000 mét vuông. Ông Ngọc tâm sự: “Năm nay tôi 68 tuổi, theo nghề nấm 40 năm rồi. Nói thật là làm nông thua thiệt, không phát triển được, khi làm nấm thì may mắn được Agribank Chi nhánh Long Khánh giúp đỡ nên mới đứng vững và phát triển. Tôi đang vay 1,5 tỷ của Agribank Chi nhánh Long Khánh với hạn mức tín dụng 3 tháng trả lãi một lần, 6 tháng hoàn vốn và vay lại”. “Sản phẩm nấm linh chi của mình làm ra tiêu thụ ở đâu ạ?”. “Giống nấm thì Hàn Quốc cung cấp, sản phẩm khoảng 1,5 tấn/tháng thì công ty dược ở Tiền Giang bao mua để cung cấp cho Nhật Bản, Hàn Quốc, một số công ty Sài Gòn cũng tìm về muốn mua nhưng mình không đủ sức làm. Nấm linh chi giá từ 400 – 600.000 đồng/ký, nấm mèo giá trên 50.000 đồng/ký”.

Anh Nguyễn Huy Trinh – Giám đốc Chi nhánh Agribank Đồng Nai cho biết: “Những năm qua, từ nguồn vốn vay của Agribank Đồng Nai cho vay để phát triển kinh tế hộ nên đời sống người dân khá giả, diện mạo nông thôn của Đồng Nai đã có nhiều thay đổi. Từ nguồn vốn vay của Agribank Chi nhánh Long Khánh nên gia đình ông Ngọc ngày càng mở rộng và phát triển khu trồng nấm linh chi, nấm mèo, với lãi bình quân khoảng 60 - 120 triệu đồng mỗi tháng, có năm ông lãi 1,5 tỷ đồng. Hiện cơ sở này có 80 công nhân, người cao nhất 15 triệu đồng/tháng, còn trung bình cũng 6 - 7,5 triệu đồng/người/tháng”.

Những cây nấm mèo, nấm linh chi từ vùng đất Long Khánh giờ đã được xuất đi nhiều nơi trên thế giới để tăng cường sức khỏe cho con người. Khi chia tay, tôi nhớ mãi lời tâm sự của ông Ngọc: “Agribank Chi nhánh Long Khánh đã giúp nhiều hộ gia đình vùng đất này giàu có. Ơn nghĩa của Agribank Chi nhánh Long Khánh nhiều gia đình vẫn còn nhắc mãi”.

Đăng Giới
Nghiên cứu tác dụng dược lý trong nấm linh chi

PGS - TS Trần Thị Văn Thi, Trường Đại học Khoa học Huế - Đại học Huế vừa hoàn thành và chuyển giao đề tài "Nghiên cứu thành phần và tác dụng dược lý của Plysaccharide và Trierpenoid trong nấm linh chi"...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN