30% bệnh nhân ung thư chết vì suy kiệt

Lo lắng, mệt mỏi, chán nản, bị tác dụng phụ của việc truyền hóa chất khiến bệnh nhân lười ăn uống là nguyên nhân chính khiến các bệnh nhân ung thư bị suy kiệt. Có đến 30% bệnh nhân ung thư chết vì… suy dinh dưỡng trước khi bị chết vì ung thư.

Ao ước được thèm ăn…


Có mặt tại hội thảo “Vượt qua chán ăn - Chiến thắng ung thư” do Hội dinh dưỡng Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, anh N.V.Sơn (23 tuổi, Triệu Sơn, Thanh Hóa) đang điều trị ung thư vòm họng tại BV K Hà Nội đợi để được bác sĩ tư vấn dinh dưỡng.

Đa phần bệnh nhân ung thư đều gặp vấn đề chán ăn, cảm giác no, buồn nôn…. Ảnh: H.Hải
Đa phần bệnh nhân ung thư đều gặp vấn đề chán ăn, cảm giác no, buồn nôn…. Ảnh: H.Hải


“Từ khi phát hiện ung thư vòm họng đến nay là được hai tháng, tôi đã sút đi 4kg. Luôn không có cảm giác thèm ăn, lại bị loét hai bên vòm miệng nên vô cùng đau đớn, càng lười ăn hơn, dù biết ăn được thì cơ thể khỏe hơn. Có những hôm tôi ăn vào rồi lại nôn ra, lại cố ăn lại thì còn gượng dậy đi lại quanh phòng được. Nhưng có hôm, nôn ra rồi, đau đớn, không có cảm giác thèm ăn liền tặc lưỡi bỏ bữa không ăn lại là y rằng hôm đó nằm bẹp trên giường”, anh Sơn kể.


Không chỉ anh Sơn có tình cảnh tương tự, luôn chán ăn mà tất cả các bệnh nhân ung thư đang chờ được tư vấn dinh dưỡng đều có chung tâm trạng. “Sút cân nhanh lắm, 3- 4kg một tháng, người lúc nào cũng uể oải, ăn cơm mà như nhai rơm. Tôi đã trải qua 5 đợt hóa chất trị ung thư buồng trứng, bác sĩ nói có tiên lượng rất tốt, phải cố ăn uống vào mới có sức khỏe, mới vượt qua bệnh tật nhưng quả thực, mong lắm một cảm giác thèm ăn mà không có. Toàn phải chan canh, nhắm mắt nhắm mũi cố nuốt cơm”, chị Lê Thị Vương (45 tuổi, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) kể.


Theo ThS.BS Nguyễn Thị Minh Hương, Phó trưởng khoa Xạ trị, trưởng khoa dinh dưỡng (BV Ung Bướu Hà Nội), mất cảm giác thèm ăn, đau đớn không ăn uống được là một nguy cơ lớn đối với bệnh nhân ung thư. “Không quá khi nhận định chán ăn với những bệnh nhân này là một “sát thủ” bởi dinh dưỡng kém sẽ làm bệnh nhân ung thư sớm bị suy kiệt và có đến 30% bệnh nhân ung thư tử vong là do suy kiệt và cơ thể bị đói chứ không phải vì bệnh do tế bào ung thư”, BS Hương nói.


Nguyên nhân gây chán ăn ở người bệnh ung thư không chỉ do tâm lý buồn chán dẫn đến trầm cảm, không thiết ăn uống mà còn do họ bị tác dụng phụ của quá trình điều trị ung thư. Các biện pháp hóa chị, xạ trị thường làm viêm loét niêm mạc đường tiêu hóa, khiến người bệnh không chỉ khó ăn uống mà luôn có cảm giác nôn, buồn nôn. Ngoài ra, khối u còn tiết các hóa chất trung gian gây viêm, tác động đến hệ thống thần kinh, gây tăng cảm giác chán ăn và no, ức chế cảm giác thèm ăn. Hậu quả là 50-90% bệnh nhân ung thư bị sụt cân nhanh, hơn 90% bệnh nhân giai đoạn cuối bị suy kiệt, không đáp ứng miễn dịch, điều trị.


“Đã không ăn được nhiều, khối u trong cơ thể lại không ngừng “ngốn” các chất dinh dưỡng khiến cơ thể người bệnh sụt cân nhanh, sức khỏe suy giảm dẫn đến việc điều trị cũng kém hiệu quả hơn và nhiều người bệnh phải bỏ dở liệu trình điều trị vì dinh dưỡng kém”, BS Hương nói.

… Đến sợ ăn vì lo nuôi u


“Tôi từng không biết bao lần bị bệnh nhân kéo lại hỏi: Bác ơi, có phải bệnh của bọn em là không được ăn thịt gà, thịt bò, thịt lợn, trứng… không vì ăn cái đó là nuôi khối u, nuôi tế bào ác, bệnh càng nặng hơn. Có những bệnh nhân bị ung thư đến viện trong tình trạng dinh dưỡng suy kiệt nặng nề và với những ca bệnh này rất khó khăn có thể cứu sống người bệnh”, BS Hương chia sẻ.


Những “kinh nghiệm” trong ăn uống này được các người bệnh truyền tai nhau trong thời gian điều trị, người nọ rỉ tai người kia khiến nhiều bệnh nhân ung thư mà kiên quyết chỉ ăn rau, ăn đậu… để khối u không phát triển.


“Đây là một quan điểm hoàn toàn sai lầm. Ngược lại, bệnh nhân ung thư cần nhu cầu dinh dưỡng và năng lượng cao hơn bình thường bởi quá trình điều trị ngốn rất nhiều dinh dưỡng của người bệnh”, BS Hương khẳng định.


Cùng quan điểm này, GS.TS Phạm Duy Hiển, BV K cho biết, nhiều người bệnh có quan niệm này vì sợ ăn càng bổ càng nuôi khối u phát triển nhanh hơn. Thực tế, khối u có cơ chế tự dưỡng của nó bất chấp việc chúng ta hạn chế ăn vào, nếu không ăn, cơ thể sẽ càng nhanh suy kiệt và người bệnh sẽ không đủ sức khỏe để theo đuổi lộ trình điều trị.


Tại hội thảo “Vượt qua chán ăn - Chiến thắng ung thư”, GS.TS Từ Ngữ, Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam khẳng định: “Một người chỉ cần sụt 5% trọng lượng cơ thể cũng làm cho tiên lượng sống xấu đi đáng kể. Nếu ăn không đúng và đủ chất dinh dưỡng thì người bệnh sẽ mất đi khối nạc của cơ thể dẫn đến tình trạng suy mòn. Vì vậy, với bệnh nhân ung thư, dinh dưỡng được coi là liệu pháp tiến hành song song với các kỹ thuật điều trị khác. Đáng tiếc ở nước ta, vai trò của phương pháp dinh dưỡng trong điều trị ung thư chưa được quan tâm đúng mức”.


Theo BS Hương, để lấy lại cảm giác thèm ăn, nguyên tắc cơ bản là luôn phải lạc quan, chú trọng ăn uống và dinh dưỡng đúng cách.
Nên ăn lúc cơ thể thoải mái, tinh thần ổn định, nên ăn cùng gia đình, người thân và bạn bè, nên chia nhỏ bữa ăn thành 4-5 bữa/ngày.
Nên ăn đa dạng thực phẩm, đủ chất đạm, béo, tinh bột. Đặc biệt nên bổ sung một số dưỡng chất đặc hiệu trong ung thư như a-xit béoOmega-3 (có nhiều trong dầu cá vùng biển sâu như cá mòi, cá trích)vừa giúp điều hòa tình trạng viêm vừa tốt cho hoạt động của não, qua đó giúp chống chán ăn ở bệnh nhân ung thư.

Người bệnh cũng cần tránh ăn thức ăn cay, nóng, rượu, thuốc lá, thuốc lào, đồ ăn quá ngọt hoặc quá mặn, hạn chế dầu mỡ xào nấu, thực phẩm quá nặng mùi, không sử dụng nước uống có gas và thức ăn tạo ra khí như đậu Hà Lan, súp lơ, bắp cải, củ cải, dưa chuột…



Rà soát tìm kiếm sữa Trung Quốc gây ung thư
Rà soát tìm kiếm sữa Trung Quốc gây ung thư

Qua kiểm tra cho thấy, từ năm 2009 đến nay, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm không cấp Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm cho bất kỳ sản phẩm sữa nào của Công ty TNHH sữa Shaya, thành phố Hồ Nam, Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN