Theo lệnh của Chính phủ Trung Quốc, tất cả các phương tiện giao thông công cộng, bao gồm xe buýt, xe lửa, máy bay và dịch vụ phà, đã bị đình chỉ hoàn toàn. Cư dân Vũ Hán cũng không được phép rời khỏi thành phố mà không được phép.
Tình trạng phong tỏa này chỉ mới được nới lỏng sau khi số ca nhiễm mới ở Trung Quốc đã giảm hẳn, trong khi đại dịch COVID -19 lại đang lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Tính đến chiều ngày 2/4/2020, tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có tổng cộng hơn 930.000 người bị nhiễm virus Corona chủng mới và hơn 47.000 người chết.
Một công trình nghiên cứu mới đã củng cố thêm trường hợp số ca bị mắc dịch COVID-19 ở Trung Quốc sẽ cao hơn đáng kể, nếu Chính phủ nước này không ban hành lệnh phong tỏa nghiêm ngặt mang tính lịch sử tại thành phố Vũ Hán trong những ngày đầu nổ ra đại dịch.
Nghiên cứu do ông Yang Yang, Phó giáo sư Trường Quản trị khách sạn và du lịch thuộc Trường Kinh doanh, Đại học Hồng Kông Trung Quốc (The Chinese University of Hong Kong – CUHK) phối hợp với Giáo sư Hanming Fang của Đại học Pennsylvania (Mỹ) và Giáo sư Long Wang của Đại học ShanghaiTech, tìm cách nghiên cứu về mặt định lượng và ảnh hưởng của việc hạn chế di chuyển đối với sự lây lan của virus.
Ước tính, số ca nhiễm COVID-19 sẽ cao hơn 64,8% ở các thành phố Trung Quốc ngoài tỉnh Hồ Bắc và cao hơn 52,6% ở các thành phố khác ở Hồ Bắc (nhưng bên ngoài Vũ Hán), nếu chính quyền không có hành động phong tỏa thành phố.
Các kết quả của nghiên cứu mới nhất đã tăng thêm sức nặng đối với những phát hiện trước đó rằng việc phong tỏa một cách nghiêm ngặt đã làm chậm, giảm đáng kể sự lây lan của virus trên khắp Trung Quốc.
Với tựa đề Human Mobility Restrictions and the Spread of the Novel Coronavirus (2019-nCov) in China (tạm dịch Việc hạn chế mọi người đi lại và sự lây lan của Virus Corona chủng mới (2019-nCov) tại Trung Quốc), nghiên cứu đã xem xét, kiểm tra dữ liệu từ Baidu Migration, một bản đồ du lịch được cung cấp bởi công cụ tìm kiếm cùng tên (Baidu) của Trung Quốc, theo dõi vị trí thời gian thực của mọi cá nhân sử dụng điện thoại thông minh bằng ứng dụng bản đồ của Baidu.
Với việc kiểm soát thực tế là chính virus đã làm giảm việc đi lại và sự hoảng loạn sẽ làm tăng việc đi lại, nghiên cứu nhận thấy rằng, việc phong tỏa một cách triệt để ở Vũ Hán đã làm giảm tới 56,4% dòng người dân đi khỏi thành phố so với việc nếu không thiết lập tình trạng cách ly. Việc phong tỏa cũng làm giảm dòng người vào Vũ Hán tới 76,6% và di chuyển bên trong thành phố xuống 54,2%.
Những kết quả này sau đó được so sánh với số liệu người bị nhiễm virus từ đại dịch COVID-19 do Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (còn được gọi là CDC Trung Quốc) đưa ra.
Phó giáo sư Yang Yang cho biết: “Chúng tôi nhận thấy, bằng cách sử dụng các mô phỏng với các ước tính này, việc phong tỏa thành phố Vũ Hán đã góp phần đáng kể vào việc giảm tổng số các trường hợp nhiễm bệnh bên ngoài Vũ Hán, ngay cả với các biện pháp cách ly xã hội sau này do các thành phố khác áp đặt”.
Một thế giới không có sự phong tỏa Vũ Hán
Mô hình này cũng được ngoại suy để ước tính số ca nhiễm Virus Corona chủng mới thực tế ở Vũ Hán và các nơi khác ở tỉnh Hồ Bắc.
Nếu không thực hiện việc phong tỏa Vũ Hán, thì 105 thành phố ở Trung Quốc ngoài Hồ Bắc sẽ ghi nhận tổng cộng 20.810 trường hợp vào cuối tháng 2, so với con số thực tế là 12.626. Tương tự, đối với 16 thành phố ở Hồ Bắc (ngoài Vũ Hán), các trường hợp đã đạt tới 23.400, nếu không có cách ly bắt buộc, thay vì con số 15.330 trên thực tế.
Nghiên cứu cũng tìm thấy một khoảng cách chênh lệch giữa số trường hợp nhiễm bệnh ước tính với số lượng thực tế ở Vũ Hán, kể từ khi bắt đầu bùng phát đại dịch COVID -19. Khoảng cách này đã nới rộng theo thời gian, có thể là kết quả của hệ thống chăm sóc sức khỏe bị quá tải và lên đến đỉnh điểm vào ngày 26/1/2020, với số lượng các trường hợp chính thức chiếm 80,03% trong tổng số ước tính.
“Do đó, chúng tôi có thể kết luận rằng, hầu hết các ca nhiễm dịch ở Vũ Hán đều có thể được điều trị theo thời gian, vì sự căng thẳng trong hệ thống y tế đã được giải tỏa”, Phó giáo sư Yang Yang nhận xét và cho biết thêm, sự khác biệt có thể được giải thích vì một số người nhiễm bệnh có thể đã tự phục hồi hoặc chết mà không báo cáo tình hình của họ trong giai đoạn đầu.
Nếu tình trạng cách ly bắt buộc không được thực hiện, mô phỏng cũng dự đoán rằng, những người bị nhiễm dịch mới vẫn sẽ lên đến đỉnh điểm – vào ngày 2/2 tại Hồ Bắc (trừ Vũ Hán), 9 ngày sau khi việc phong tỏa thực tế được áp dụng và vào ngày 3/2 ở các nơi khác tại Trung Quốc. Nghiên cứu dự đoán rằng, các trường hợp mới ước tính sẽ dần dần hội tụ vào các trường hợp hàng ngày được báo cáo trong thế giới thực vào ngày 22/2.
Phó giáo sư Yang Yang bình luận: “Điều này cho thấy các biện pháp cách xã hội được thực hiện ở những nơi khác ở Trung Quốc cuối cùng sẽ có tác dụng ngăn chặn sự lây lan của virus Corona chủng mới, ngay cả khi thành phố Vũ Hán không bị phong tỏa. Tuy nhiên, sự tấn công ban đầu vào hệ thống y tế ở tất cả các thành phố ở Trung Quốc sẽ nghiêm trọng hơn nhiều và tổng số ca nhiễm trùng ở nơi khác cũng sẽ cao hơn đáng kể”.
Việc phong tỏa kém triệt để có phát huy tác dụng?
Ở những nơi khác ở Trung Quốc, nghiên cứu cũng xem xét hiệu quả của việc phong tỏa ít nghiêm ngặt hơn được thực hiện ở các mức độ khác nhau, từ việc thiết lập các trạm kiểm soát được đặt ở lối vào và khu cách ly, việc ngừng hoạt động của hệ thông giao thông công cộng cũng như hạn chế việc di chuyển của người dân vào và ra cũng như trong các thành phố.
Phó giáo sư Yang Yang cho biết: “Kết quả cho thấy, các chính sách cách ly xã hội nâng cao này ở các thành phố đích có hiệu quả trong việc giảm tác động của dòng dân số đến từ Vũ Hán và các thành phố khác ở tỉnh Hồ Bắc. Điều này ngụ ý rằng, dòng dân số từ tâm chấn dịch bệnh chỉ góp phần vào việc lây nhiễm trước khi biện pháp cách ly xã hội đã được áp dụng. Có vẻ như sau khi thực hiện các biện pháp kiểm soát khác nhau, các thành phố áp dụng phong tỏa có thể làm phẳng quỹ đạo đi lên của virus. Kết quả của nghiên cứu này cũng có ý nghĩa đối với các quốc gia khác trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19”.
Tài liệu tham khảo
Fang, Hanming; Wang, Long và Yang, Yang, Human Mobility Restrictions and the Spread of the Novel Coronavirus (2019-nCov) in China (tạm dịch Việc hạn chế mọi người đi lại và sự lây lan của Virus Corona chủng mới (2019-nCov) tại Trung Quốc), Ngày 23/2/2020). PIER Working Paper No. 20-011. Hiện có sẵn tại SSRN: https://ssrn.com/abstract=3559382 or http://dx.doi.org/10.2139/ssrn.3559382
Bài viết này lần đầu tiên được xuất bản trên trang web Kiến thức kinh doanh Trung Quốc (China Business Knowledge – CBK) bởi Trường kinh doanh, thuộc CUHK: https://bit.ly/39mi7YJ.
Thông tin về CUHK Business School
Trường Kinh doanh thuộc CUHK bao gồm 2 trường – Kế toán và Quản lý khách sạn và Du lịch – và 4 khoa – Khoa Kinh tế quản lý và khoa học phục vụ việc ra quyết định, Tài chính, Quản lý và Marketing. Được thành lập tại Hồng Kông vào năm 1963, đây là trường kinh doanh đầu tiên cung cấp các chương trình cử nhân về quản trị kinh doanh (BBA), thạc sỹ về quản trị kinh doanh (MBA) và thạc sỹ cao cấp về quản trị kinh doanh (Executive MBA) trong khu vực. Hiện tại, Trường cung cấp 8 chương trình đại học và 20 chương trình sau đại học, bao gồm MBA, EMBA, Master, MSc, MPhil và Ph.D
Trong Bảng xếp hạng MBA toàn cầu của Financial Times năm 2020, chương trình đào tạo của CUHK được xếp hạng thứ 50. Trong bảng xếp hạng EMBA năm 2019 của Financial Times, CUHK EMBA được xếp hạng 24 trên thế giới. Trường Kinh doanh CUHK có số lượng cựu sinh viên kinh doanh lớn nhất (hơn 36.000 người) trong số các trường đại học / trường kinh doanh tại Hồng Kông. Nhiều người trong số họ là lãnh đạo chủ chốt doanh nghiệp . Trường hiện có khoảng 4.400 sinh viên đại học và sau đại học và Giáo sư Lin Zhou là Hiệu trưởng Trường Kinh doanh thuộc CUHK.
Thông tin thêm có sẵn tại http://www.bschool.cuhk.edu.hk hoặc bằng cách kết nối với CUHK Business School trên:
Facebook: www.facebook.com/cuhkbschool
LinkedIn: www.linkedin.com/school/3923680
Instagram: www.instagram.com/cuhkbusinessschool
WeChat: CUHKBusinessSchool