Mặc dù đại dịch COVID-19 đã bùng phát và hoành hành từ đầu năm đến nay, song hoạt động đầu tư vào các trung tâm dữ liệu vẫn tương đối mạnh. Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm nay, đã có tổng cộng 1,43 tỷ USD đầu tư vào các trung tâm dữ liệu tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương, bằng khoảng 56% tổng vốn đầu tư của năm 2019.
Được các nhà đầu tư và chủ sở hữu săn đón nhiều, kể từ đầu năm đến nay, Hồng Kông thu hút tới 54% tổng vốn đầu tư vào các trung tâm dữ liệu ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Trong số các thương vụ, dự án đầu tư đáng chú ý nhất, có dự án mà China Mobile đã mua lại một cơ sở công nghiệp thuộc quyền sở hữu của Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông với giá 5,60 tỷ dollar Hồng Kông trong tháng 7 vừa qua. Tính ra, giá mua trung bình là 5.967 dollar Hồng Kông mỗi feet vuông, cao hơn 56% so với giá dự thầu gần nhất; thể hiện sự háo hức của người mua để đảm bảo một trung tâm dữ liệu trong bối cảnh nguồn cung hạn chế.
Hồng Kông là một địa điểm trung tâm dữ liệu lý tưởng. Theo nghiên cứu mới nhất của Cushman & Wakefield, Hồng Kông được xếp hạng vị trí trung tâm dữ liệu hấp dẫn thứ 4 ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương, sau Singapore, Sydney và Tokyo. Hồng Kông xếp hạng cao nhất về mức thuế suất thấp và rủi ro thấp; xếp ở giữa trong các hạng mục kết nối cáp quang, mức độ trưởng thành của thị trường và chi phí điện. Tuy nhiên, Hồng Kông có một điểm trừ là chi phí bất động sản cao.
Tính đến cuối quý 2/2020, tổng nguồn cung trung tâm dữ liệu ở Hồng Kông lên tới 7,9 triệu feet vuông (gần 734.000 mét vuông), trong đó 80% do 10 nhà khai thác bao gồm cả hai nhà khai thác địa phương lớn nhất – SUNeVision và PCCW Solutions (chiếm 31% thị phần). Các nhà khai thác quốc tế chiếm khoảng 30% và Cushman & Wakefield dự đoán tỷ lệ các nhà khai thác nước ngoài này trên thị trường sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do cam kết trước của họ về các dự án mới trong việc cung ứng.
Trong 4 năm tới, tổng nguồn cung 4,2 triệu feet vuông (gần 372.000 mét vuông) sẽ gia nhập thị trường trung tâm dữ liệu. Ông Eric Chong, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu của Cushman & Wakefield Hồng Kông, cho biết: “Mặc dù đã tăng 50% so với nguồn cung 7,9 triệu feet vuông hiện có, nguồn cung sẽ vẫn khan hiếm, vì 82% các dự án phát triển sắp tới đã được chủ sở hữu và người thuê tiếp nhận”.
Ông Eric Chong cho biết thêm: “Nhu cầu trung tâm dữ liệu hiện tại được hỗ trợ bởi các tập đoàn ngân hàng – tài chính, bảo hiểm và viễn thông. Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu trong tương lai chủ yếu được thúc đẩy bởi các nhà cung cấp dịch vụ đám mây hàng đầu trên toàn cầu, như AWS, Microsoft Azure, Google Cloud, Tencent Cloud và Alibaba Cloud. Tầm quan trọng ngày càng tăng của các ứng dụng Internet vạn vật (IoT), mạng 5G sắp ra mắt và tỷ lệ chấp nhận nhanh chóng của điện toán đám mây, cũng như trạng thái bình thường mới hậu COVID-19 là 4 yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu về đám mây lưu trữ”.
Dựa trên số liệu thống kê của Chính quyền, 90% doanh nghiệp trong lĩnh vực Tài chính, Bảo hiểm, Bất động sản và Dịch vụ Kinh doanh (Finance, Insurance, Real Estate, and Business Services- FIREBS) đã thích ứng với điện toán đám mây, tăng đáng kể so với tỷ lệ 57% vào năm 2015.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu điện là một hạn chế lớn đối với sự phát triển của trung tâm dữ liệu. Mạng lưới cấp điện 11 kV hiện có không thể đáp ứng nhu cầu điện của các trung tâm dữ liệu siêu cấp, đòi hỏi tối thiểu 20MVA + 20MVA. Các công ty điện lực thường mất khoảng 3 đến 4 năm để cung cấp nguồn điện bổ sung, tạo ra khoảng cách từ 1,5 đến 2 năm giữa ngày bắt đầu mục tiêu của hoạt động trung tâm dữ liệu và cung cấp nguồn điện cần thiết.
Trong tương lai, Cushman & Wakefield khuyến nghị Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông và các công ty điện lực nhanh chóng điều tra và phối hợp về cách tăng khả năng cung cấp điện và rút ngắn thời gian cung cấp điện để đảm bảo có sẵn cơ sở hạ tầng cho sự phát triển của trung tâm dữ liệu trong tương lai.
Ông John Siu, Giám đốc điều hành của Cushman & Wakefield Hồng Kông khuyến nghị: “Để duy trì tính cạnh tranh trên thị trường trung tâm dữ liệu của thành phố, Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông nên xem xét bố trí nhiều khu đất hơn để sử dụng làm trung tâm dữ liệu nhằm đáp ứng nhu cầu đang tăng cao. Một cân nhắc khác là chuẩn hóa mức phí bảo hiểm đất cho các ứng dụng cho thuê để cung cấp cho các nhà đầu tư và chủ sở hữu điều hành một chi phí có thể dự đoán được và lịch trình cho các dự án tái phát triển trung tâm dữ liệu. Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông cũng nên xem xét trao quyền cho một đơn vị tập trung (một đầu mối duy nhất) để tạo điều kiện và hợp lý hóa quy trình thẩm định và phê duyệt các công việc cần thiết cho việc phát triển trung tâm dữ liệu hiện do nhiều cơ quan khác nhau xử lý”.
Thông tin về Cushman & Wakefield
Cushman & Wakefield (có cổ phiếu giao dịch tại Sàn giao dịch chứng khoán NYSE, New York, Mỹ, với mã là CWK) là công ty dịch vụ bất động sản hàng đầu thế giới mang lại giá trị đặc biệt cho những người sử dụng và sở hữu bất động sản. Cushman & Wakefield là một trong những công ty dịch vụ bất động sản lớn nhất thế giới, với khoảng 53.000 nhân viên làm việc tại 400 văn phòng ở 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trên khắp lãnh thổ Trung Quốc, có 22 văn phòng phục vụ thị trường địa phương. Công ty đã giành được 4 giải thưởng hàng đầu trong Khảo sát Euromoney năm 2017 và năm 2018 trong các hạng mục Tổng thể, Đại lý cho thuê/ Bán hàng, Định giá và Nghiên cứu ở Trung Quốc. Năm 2019, Công ty có doanh thu 8,8 tỷ USD từ các dịch vụ cốt lõi là tài sản, cơ sở vật chất và quản lý dự án, cho thuê, thị trường vốn, định giá và các dịch vụ khác.
Để tìm hiểu thêm, hãy truy cập www.cushmanwakefield.com.hk hoặc theo dõi Cushman & Wakefield trên LinkedIn (https://www.linkedin.com/company/cushman-&-wakefield-greater-china)