Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chiều 26/3, Bộ Giao thông Vận tải đã có Công văn số 3222/BGTVT-TCCB yêu cầu 10 cá nhân báo cáo về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong quá trình triển khai Dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) giai đoạn 1.Các cá nhân trên là các cán bộ, công chức thuộc diện Bộ Giao thông Vận tải quản lý, trong đó có 7 người vẫn đang công tác và 3 người đã nghỉ hưu.
Ông Nguyễn Hữu Bằng - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng công ty ĐSVN và ông Hirotaka Nozima - đại diện liên danh nhà thầu tư vấn JKT (có JTC tham gia) tại lễ ký hợp đồng năm 2009. Ảnh: Giaothongvantai.com.vn |
Cụ thể, những cán bộ, công chức đang công tác gồm: ông Nguyễn Đức Thắng, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng Công trình Giao thông); ông Trần Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng Công trình Giao thông); bà Nguyễn Minh Tuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng Công trình Giao thông; ông Lê Quyết Tiến, Trưởng phòng Pháp chế - Đấu thầu, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng Công trình Giao thông; ông Phan Hữu Biên, Chuyên viên Phòng Pháp chế - Đấu thầu, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng Công trình Giao thông; ông Vũ Nam Nguyên, Chuyên viên chính Vụ Kế hoạch - Đầu tư; và ông Triệu Khắc Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ Cao tốc thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nguyên Phó Trưởng phòng Thẩm định 1, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông).
Những người đã nghỉ hưu gồm: ông Lê Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; ông Nguyễn Hữu Bằng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; và ông Hà Khắc Hảo, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (hay còn gọi là Đường sắt trên cao Hà Nội, đoạn Ngọc Hồi – Yên Viên) được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Văn bản số 195/CP-CN ngày 12/2/2004.
Trong giai đoạn 1, Dự án có quy mô xây dựng mới đường sắt đôi trên cao điện khí hóa đoạn Giáp Bát - Gia Lâm, với chiều dài 15,36km và khu Tổ hợp Ga Ngọc Hồi dài 3,85km. Tổng mức đầu tư là 19.460 tỷ đồng (trong đó 13.972 tỷ đồng vay của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam ). Dự án này do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam là chủ đầu tư và do Ban Quản lý các dự án đường sắt đường sắt (RPMU) thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý. Theo dự kiến, dự án sẽ được triển khai từ năm 2008 đến năm 2017.
Hoàng Tùng