Trưởng thôn Hà Văn Huyên, bản Tủ, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn cho biết: "Bản Tủ có 73 hộ, hầu hết là đồng bào Thái, Tày sinh sống. Trong đợt lũ vừa qua, bản Tủ là một trong những bản bị thiệt hại nặng nề về nhà cửa, tài sản, hoa màu, các công trình thủy lợi, hàng chục ngôi nhà bị sập, trôi hoàn toàn. Cả bản có 3 người chết và mất tích do mưa lũ”.
Cơn lũ ập về bản Tủ đã cướp đi sinh mạng ông Hà Sơn Hòa, chồng bà Định Thị Quý. Đã 4 ngày kể từ khi lũ trôi qua nhưng bà Quý vẫn còn bàng hoàng, sợ hãi. Bà Quý nghẹn ngào nói: "Cơn lũ ập về lúc rạng sáng như thác đổ, tôi chỉ kịp hô mọi người trong nhà chạy. Tôi may mắn thoát nạn còn chồng tôi thì bị lũ cuốn đi. Đau lòng quá”.
Bốn ngày sau khi cơn lũ đi qua, với sự nỗ lực tìm kiếm của các lực lượng chức năng và người thân, đến sáng 23/7, lực lượng cứu hộ, cứu nạn và người dân địa phương đã phát hiện và tìm thấy thi thể chồng bà Quý bị vùi lấp dưới đống đổ nát, cách vị trí nơi ở của gia đình gần 50m.
Là địa phương gánh chịu nhiều thiệt hại do mưa lũ, ngay sau khi mưa lũ xảy ra, huyện Văn Chấn đã huy động 500 cán bộ chiến sỹ tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn, phương án được đưa ra là tổ chức nhiều mũi đi bộ vào các khu vực sạt lở có người mất tích và hai bên khu vực suối Thia để tổ chức tìm kiếm.
Đến ngày 24/7, trên địa bàn huyện Văn Chấn đã xác định có 7 người chết, 1 người mất tích, 16 người bị thương, 462 nhà thiệt hại, trong đó có gần 100 ngôi nhà bị trôi, sập đổ hoàn toàn; hàng trăm ha cây cối, hoa màu bị lũ cuốn trôi và các công trình cơ sở hạ tầng, đường giao thông bị chia cắt. Ước tính thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Xác định nhiệm vụ tìm kiếm người mất tích là nhiệm vụ hàng đầu, Yên Bái đã chỉ huy các lực lượng tìm kiếm cứu nạn được huy động theo phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Trong đó, lực lượng Công an, Quân đội và dân quân tự vệ địa phương thông thạo địa hình, có kinh nghiệm làm nòng cốt tìm kiếm tại các khu vực dọc theo suối Thia ra đến tận khu vực sông Thao thuộc huyện Văn Yên.
Đặc biệt, một tổ công tác là lính thông tin của Quân khu II đã phải mang theo máy móc, đồ đạc cứu hộ trên vai trèo đèo, vượt lũ vào các xã Nậm Mười, An Lương, Suối Quyền còn bị cô lập để có thông tin chỉ huy cứu hộ, cứu nạn.
Máy bay không người lái được sử dụng thám không, phân tích ảnh nhằm tìm kiếm người mất tích tại những nơi lực lượng chức năng chưa đến tìm kiếm được, nhất là các vực sâu, khe suối độ dốc cao. Không quản gian nan, vất vả, các lực lượng tìm kiếm đã kiên trì, âm thầm làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất với hy vọng tìm thấy người còn mất tích.
Ông Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: Lực lượng tìm kiếm nạn nhân bị mất tích chủ yếu là lực lượng vũ trang, bao gồm lực lượng Quân khu 2, Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh, công an, lực lượng dân quân tự vệ trên địa bàn.
Đây là lực lượng thông thạo địa bàn và có kinh nghiệm trong công tác cứu hộ cứu nạn. Từ đó, mới có những giải pháp phù hợp và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng cứu hộ này. “Chúng tôi tổ chức tìm kiếm ở những nơi xảy ra lũ quét, sạt lở đất và triển khai tìm kiếm dọc theo các con suối. Hi vọng người mất tích còn lại được tìm thấy ở địa điểm đó”, ông Đỗ Đức Duy nói.
Với sự cố gắng của các lực lượng cứu hộ, khoảng 9 giờ 30 phút ngày 24/7, tại bản Tủ, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn đã tìm thấy thêm một thi thể nạn nhân bị lũ cuốn trôi. Như vậy, toàn tỉnh Yên Bái còn 3 người mất tích, trong đó huyện Văn Chấn còn 1 người mất tích. Lực lượng chức năng và người dân địa phương vẫn đang tập trung tìm kiếm những người còn lại.
Để hạn chế thiệt hại về người do mưa lũ, tỉnh Yên Bái yêu cầu chính quyền các địa phương tiếp tục tuyên truyền vận động người dân trong thời điểm có lũ kiên quyết không để người dân ra suối đánh bắt cá, vớt củi trên suối. Đồng thời, tỉnh kiên quyết di dời các hộ dân đang sống trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.