Liên quan đến các giải pháp xây dựng Đảng, ông Lê Trần Tạo, Bí thư Chi bộ phố Kỳ Lân (phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) đánh giá, các cấp ủy tại một vài nơi, một vài thời điểm chưa tích cực đầu tư đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, phát huy ý thức trách nhiệm của đảng viên trong xây dựng và thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ, Chi bộ, do đó nội dung, chất lượng sinh hoạt đảng còn nghèo nàn; công tác quản lí đảng viên còn yếu về nhiều mặt, nhất là quản lí diễn biến tư tưởng, quá trình phát triển của đảng viên; cấp ủy chưa quản lí tốt việc đảng viên thực hiện nhiệm vụ được giao, đảng viên tham gia sinh hoạt đảng, gìn giữ các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng nên nguyên tắc tập trung dân chủ có lúc, có nơi vẫn còn vi phạm.
Ông Tạo đề nghị cần cân nhắc và làm rõ hơn phần đánh giá trong công tác tổ chức xây dựng đảng, cần đánh giá công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, bố trí, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, nhất là công tác nhận xét, đánh giá cán bộ một cách nền nếp, chặt chẽ, đảm bảo công tâm khách quan, việc xếp loại tổ chức đảng, đảng viên đảm bảo đúng thực chất. Công tác phát triển đảng viên, nhất là phát triển đảng viên tại các thôn bản, cơ sở là cần thiết song cần nghiên cứu quan tâm hơn việc phát triển đảng tại các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức đoàn thể chính trị. Theo ông Tạo, để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy cần chú ý xây dựng các cấp ủy từ cơ sở đến tỉnh vừa có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, lối sống trong sạch, giản dị vừa phải là trung tâm đoàn kết, đứng đầu là đồng chí bí thư cấp ủy; luôn luôn thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong nội bộ Đảng, nội bộ cấp ủy, nội bộ ban thường vụ cấp ủy.
Ông Trần Tiên Sinh, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Ninh Bình, đánh giá, Hội nghị Trung ương 3 đã thảo luận và quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Hội nghị thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thảo luận dân chủ, thẳng thắn, đóng góp nhiều ý kiến trí tuệ, xác đáng vào các báo cáo, đề án. Đồng tình và ấn tượng với những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020, ông cũng cho rằng trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù đất nước ta vẫn đang đứng trước không ít khó khăn, thử thách, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, nguy hiểm nhưng kinh tế - xã hội vẫn phát triển. Kinh tế tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, phúc lợi xã hội vẫn được đảm bảo cho người dân.
Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Ninh Bình Trần Tiên Sinh mong muốn, thời gian tới, Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần này sẽ được tổ chức thực hiện tốt. Đồng thời, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng sẽ kịp thời được cụ thể hóa, quán triệt đầy đủ, sâu sắc, qua đó xây dựng, tổ chức thực hiện và hoàn thành thắng lợi được các mục tiêu tổng quát đã đề ra cho cả nhiệm kỳ. Đặc biệt, Nhà nước cũng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện hơn nữa để người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.
Thành công của Hội nghị Trung ương 3 lần này cũng sẽ củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tỉnh Ninh Bình nói riêng và cả nước nói chung vào sự lãnh đạo của Đảng và sự đổi mới, phát triển của đất nước.
*Ông Trần Thanh Hoài, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết: Thành công của Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII lần này là rất rõ nét. Các phần việc quan trọng được Ban Chấp hành Trung ương giải quyết trong thời gian ngắn kỷ lục, chứng tỏ sự tập trung và quyết liệt có trách nhiệm của cả Ban Chấp hành Trung ương cho các nội dung lớn liên quan đến phát triển của đất nước cũng như xây dựng Đảng.
Cán bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng hết sức hoan nghênh và phấn khởi mong chờ những chủ trương lớn lần này sớm đi vào cuộc sống. Cá nhân ông Hoài hết sức tâm đắc về ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc siết chặt kỷ cương, xoá bỏ cơ chế “xin- cho”; chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong đầu tư công. Đây thực sự là một “cuộc chiến” thầm lặng và dai dẳng trong suốt nhiều năm qua. Cơ chế “xin- cho” cần phải được xoá bỏ, bắt đầu từ việc tường minh của các chính sách, quy trình xây dựng chính sách; phải bắt đầu từ lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Nên chăng, trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, người dân và doanh nghiệp được tham gia ngay từ đầu để đảm bảo tính khách quan và thực tiễn của đời sống, nói cách khác “tính nhân văn” của chính sách phải chính từ người dân xây dựng lên. Mặt khác, việc phát triển kinh tế - xã hội cần phải luôn xuất phát từ một nền văn hoá nội sinh căn bản. Đã đến lúc cần “làm nóng lại” hào khí, khát vọng quật cường của dân tộc Việt.
Hơn bao giờ hết, trước sự đe doạ xuyên biên giới của đại dịch COVID-19, lòng người dân nước Việt Nam cần được đoàn kết mạnh mẽ hơn nữa. “ Văn hoá soi đường cho quốc dân đi” đã được Bác Hồ vận dụng trong mọi hoàn cảnh khó khăn của những ngày đầu độc lập. Ngày nay, tinh thần Hội nghị Trung ương 3- Khoá XIII cần được lan toả sâu sắc hơn giá trị của thông điệp đó.
Xây dựng đảng là then chốt, nội bộ đã vững mạnh thì không khó khăn nào mà Đảng và nhân dân ta không vượt qua. Điều này đã được chứng minh trong lịch sử hào hùng của đất nước, của Đảng quang vinh.
Bà Võ Thị Hảo, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai, đưa nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống. Hội nghị Trung ương 3 diễn ra, ban hành Nghị quyết với những nội dung định hướng trọng tâm, quyết liệt vừa phát triển kinh tế- xã hội, vừa phòng, chống dịch COVID-19 đang diễn ra hết sức phức tạp.
Cán bộ, đảng viên của ngành khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng thống nhất cao và quyết tâm triển khai Nghị quyết vào hoạt động của ngành với các giải pháp trọng tâm như: tuyên truyền Nghị quyết đến cán bộ, công nhân viên chức và người lao động; đẩy mạnh củng cố kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng công tác tham mưu của cán bộ công chức; xây dựng kế hoạch hoạt động khoa học- công nghệ vào đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021- 2025 với mục tiêu, nội dung trọng tâm, trọng điểm, bám sát yêu cầu thực tiễn địa phương.
Các nhiệm vụ của ngành khoa học - công nghệ cần lấy mục tiêu hiệu quả, khả thi làm mục tiêu chính; lựa chọn, triển khai các nhiệm vụ theo chuỗi giá trị; chú trọng triển khai, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.