Ý kiến đa chiều của các đại biểu

Bên lề kỳ họp, trả lời phóng viên báo Tin Tức, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cho rằng, nếu so sánh với báo cáo ở Quốc hội khóa XII về dự án đường sắt cao tốc thì lần nay các đại biểu đều thấy các cơ quan trình và cơ quan thẩm tra đã có những cải tiến đi sát thực tế.

Trong báo cáo thẩm tra đã đi thẳng vào những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm. Đối với Cảng HKQT Long Thành, báo cáo thẩm tra đã đặt ra nhiều vấn đề đối với cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ Giao thông Vận tải được Chính phủ ủy quyền phải báo cáo thêm. Trong đó có vấn đề sử dụng vùng trời giữa TP Hồ Chí Minh, Biên Hòa với vùng trời của Đồng Nai, về giá khái toán, về việc tính hiệu quả và khả năng cạnh tranh khi chúng ta chuyển nó thành cụm cảng quốc tế.

Phối cảnh sân bay Long Thành. Ảnh: báo GTVT


“Chúng ta chưa đầu tư, mà ở đây Chính phủ đang trình Quốc hội làm thủ tục theo đúng Điều 3, Nghị quyết 49 của Quốc hội về các công trình trọng điểm quốc gia. Quốc hội xem đây là một trong những công trình trọng điểm quốc gia. Theo quy định của pháp luật hiện hành và Luật Đầu tư công có hiệu lực từ 2015, trình tự này được chia làm ba bước: Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, tính cần thiết để xây dựng một sân bay mới để đảm bảo việc vận chuyển hành khách nội địa và quốc tế của Việt Nam sau những năm 2020 là cần thiết.

Chúng ta chưa cần nói đến nó có là sân bay trung chuyển quốc tế hay không, của khu vực hay không. Việc xây dựng một sân bay mới để đảm bảo phối hợp cùng sân bay Tân Sơn Nhất thực hiện được chức năng là một trong hai trung tâm vận tải hàng không lớn của quốc gia do đặc thù địa lý của nước ta thì việc ấy là cần thiết”, đại biểu Nguyễn Đức Kiên khẳng định.

Dưới góc nhìn khác, đại biểu Phan Văn Quý, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội lại cho rằng, nếu chỉ vì lo ngại nợ công, vì tính toán quá chi tiết mà Quốc hội không thông qua dự án này thì sẽ quá trễ, sẽ lỡ mất cơ hội. Theo đại biểu Phan Văn Quý, làm một dự án, đặc biệt là dự án lớn như sân bay Long Thành thì rất cần thời gian. Cho nên thời điểm này Quốc hội nên đưa ra chủ trương. Sau đó để Chính phủ dựa vào thu nhập GDP, vào tình hình nợ công để cân đối trên một bình diện tổng thể rồi đưa ra lộ trình triển khai cụ thể.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Lê Như Tiến có cùng quan điểm nhưng thận trọng hơn khi cho rằng: “Dự án này tương lai sẽ phải làm, nhưng cần lùi lại đến khi mà nền kinh tế của chúng ta đã khá hơn, tăng trưởng bền vững hơn, tích lũy tốt hơn, nợ công an toàn hơn. Lúc đó chúng ta làm sân bay Long Thành cũng chưa muộn. Nhiều chuyên gia hàng không lâu năm đã nhận định, về lâu dài cần có sân bay khác thay thế sân bay Tân Sơn Nhất. Thế nhưng, đó là trong ít nhất 20 năm tới”.

Viết Tôn - Hữu Vinh


Thảo luận Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) và Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi)
Thảo luận Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) và Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 29/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận, cho ý kiến về 2 dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) và Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN