Qua đó, người lao động gửi gắm nhiều ý kiến, kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nổi lên là việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, chế độ bảo hiểm, các vấn đề liên quan đến đoàn viên, người lao động…
Nỗi lo việc làm, nhà ở, trường học
Tại các Hội nghị tiếp xúc chuyên đề giữa đại biểu Quốc hội với công nhân lao động, cử tri đồng thuận cao với các đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước khi kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội, quan tâm thực hiện đầy đủ chế độ với người lao động; phát huy được sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị.
Cử tri kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố nhiều ý kiến về việc làm, thu nhập, đời sống, sửa đổi và bổ sung các chính sách cho phù hợp thực tế…
Cử tri ở cực Bắc của Tổ quốc - tỉnh Hà Giang chia sẻ, hiện nay, thu nhập của công nhân còn thấp nhưng giá các mặt hàng tiêu dùng tăng cao, chi phí sinh hoạt khá lớn, khó có tiền tích lũy để mua đất làm nhà ở…, đề nghị Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động thu nhập thấp, tạo điều kiện để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi vay làm nhà ở, ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất.
Nhiều công nhân ở vùng mỏ Quảng Ninh chia sẻ, đa phần họ là người ngoại tỉnh, phải thuê phòng trọ trong các khu nhà trọ xuống cấp, điều kiện sinh hoạt chưa đảm bảo. Công nhân mong muốn có chỗ ở ổn định tại địa phương, tiếp tục làm việc; đề xuất Quốc hội và tỉnh Quảng Ninh có thêm chính sách hỗ trợ về nhà ở để có thể an cư, lập nghiệp.
Anh Nguyễn Phú Cảnh (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải Nam, Bình Thuận) bày tỏ, tại công ty có nhiều người lao động ở các nơi đến làm việc. Đa phần công nhân gặp khó khăn về nhà ở, phải thuê nhà trọ, điều kiện sống không đảm bảo, chi phí lại cao. Anh Cảnh mong có thêm nhiều chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người lao động, công nhân có thu nhập thấp…
Xây dựng thêm các trường công lập trong khu công nghiệp là mong mỏi của rất nhiều cử tri công nhân, người lao động. Bởi lẽ, hiện nay, công nhân trong khu công nghiệp phải gửi con tại các trường mầm non nhưng trường chỉ nhận trẻ từ một tuổi trở lên. Vì vậy, sau khi nghỉ thai sản, nhiều nữ công nhân phải nghỉ trông con vì không có nơi gửi, nếu gửi ở nhóm trẻ gia đình, tư thục thì chi phí cao lại thiếu an toàn. Công nhân rất mong Nhà nước có chính sách xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo dành riêng cho con em người lao động trong khu công nghiệp để yên tâm và thuận tiện đưa đón con.
Thực tế hiện nay, đa số công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp mới học xong trung học phổ thông. Để đáp ứng yêu cầu của công việc khi công nghệ, khoa học ngày càng phát triển, người lao động mong muốn có tay nghề vững vàng nhằm nâng cao năng suất lao động, đóng góp cho doanh nghiệp phát triển, từ đó tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Nhiều cử tri đề nghị có chính sách tạo điều kiện cho công nhân lao động được tham gia học tập và nâng cao trình độ, kỹ năng…
Ngoài vấn đề nhà ở, công nhân cũng kiến nghị nhiều nội dung về việc làm, tiền lương, đào tạo nghề, bảo hiểm xã hội, tuổi nghỉ hưu… Một số vấn đề như “tín dụng đen”; người lao động bị cắt hợp đồng do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất; thiết chế văn hóa cho công nhân; các chính sách thụ hưởng bảo hiểm xã hội, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… cũng được đại diện các tổ chức Công đoàn, công nhân, người lao động phản ánh.
Có thể thấy, các hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân, người lao động là diễn đàn để người lao động cả nước bày tỏ tâm tư nguyện vọng và đề xuất những kiến nghị từ thực tế cuộc sống. Đây cũng là dịp để các đại biểu dân cử đến gần hơn với người lao động, từ đó tiếp thu và chuyển tải các ý kiến của cử tri đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Nhấn mạnh về hoạt động này, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, thông qua chương trình góp phần tăng cường dân chủ ở cơ sở; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công nhân lao động trong tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Phát huy các nguồn lực cho kinh tế phát triển
Ghi nhận các thành tựu kinh tế - xã hội đã đạt được thời gian qua, cử tri cũng nêu nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm phát huy các nguồn lực cho đầu tư, phát triển.
Cử tri và nhân dân Thủ đô đồng thuận với chủ trương của Đảng, Quốc hội về phát triển các dự án trọng điểm của cả nước, thành phố, trong đó có triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Người dân mong muốn công tác giải phóng mặt bằng được đảm bảo tiến độ, lựa chọn được nhà thầu có uy tín, đảm bảo chất lượng, dự án hoàn thành đúng kế hoạch.
Với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, xây dựng, cử tri huyện Thoại Sơn và thành phố Long Xuyên (An Giang) nhấn mạnh về hạ tầng giao thông tuyến Quốc lộ 91 đi qua địa bàn tỉnh xuống cấp, thiếu đồng bộ; một số công trình trọng điểm như tuyến đường tránh thành phố Long Xuyên chậm tiến độ… Vui mừng vì được quan tâm đầu tư nhiều dự án, công trình trọng điểm như tuyến đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến cao tốc Mỹ Thuận 2…, cử tri mong Trung ương tiếp tục quan tâm, đầu tư cho Đồng bằng sông Cửu Long khu công nghiệp có quy mô lớn, ở tầm khu vực, vừa tạo thêm việc làm, vừa thúc đẩy kinh tế - xã hội.
Phát triển hạ tầng giao thông cũng là vấn đề được cử tri thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) rất quan tâm. Theo cử tri Nguyễn Phan Lũy (cán bộ hưu trí Phường 9), những năm qua hạ tầng giao thông của thành phố Đà Lạt đã có những thay đổi rõ rệt, ngày càng đáp ứng được nhu cầu của du khách. Cử tri kỳ vọng, tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, nối phố núi Đà Lạt với các tỉnh miền Đông Nam Bộ sắp tới sẽ được triển khai, góp phần hoàn thiện hạ tầng cho ngành Du lịch. Rất mong tuyến cao tốc sớm được xây dựng song cử tri Nguyễn Phan Lũy kiến nghị phải cân nhắc giữa lợi ích kinh tế và gìn giữ cảnh quan, khí hậu cho Đà Lạt.
Cử tri Bùi Sỹ Dần (Phường 9) phản ánh, việc triển khai dự án, mở rộng các tuyến đường trên địa bàn đang gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến lợi ích chung của người dân, gây thiệt hại cho Nhà nước. Cử tri đề xuất sớm có giải pháp, sửa đổi các quy định về giải phóng mặt bằng cho hợp lý để tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc triển khai các dự án.
Cử tri các tỉnh khu vực Tây Nguyên nêu kiến nghị, quan tâm đến một số vấn đề về cơ chế riêng cho vùng và chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới…
Về phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cử tri huyện Mộc Châu (Sơn La) đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị với Chính phủ sớm giao nguồn vốn sự nghiệp để hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo điều kiện thận lợi cho người dân tái định cư phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống; ưu tiên phân bổ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn…
Nhiều vấn đề xã hội bức xúc
Vấn đề sách giáo khoa, bất cập trong Chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay cũng được nhiều ý kiến đề cập. Cử tri Nguyễn Đức Chính (thị trấn Vũ Thư, Thái Bình) cho rằng, giá sách giáo khoa hiện nay khá cao, hầu như không sử dụng lại được cho năm học sau, tốn kém và lãng phí. Việc mỗi trường sử dụng một bộ sách gây khó khăn cho học sinh khi chuyển trường.
Bạo lực học đường là một trong những vấn đề được cử tri, nhân dân, dư luận xã hội rất quan tâm. Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc có tính chất rất nghiêm trọng, hậu quả thương tâm, gây bức xúc cho xã hội. Cử tri nhiều địa phương đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có giải pháp để ngăn chặn bạo lực học đường, đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường, giúp phụ huynh học sinh yên tâm...
Các vấn đề về tài nguyên, môi trường được cử tri hai tỉnh Hà Nam, Bến Tre đề cập nhiều trong các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội. Cử tri xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục (Hà Nam) tiếp tục kiến nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nguồn nước sông Châu Giang, ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây ra…
Ý kiến từ Bến Tre kiến nghị sớm ban hành, hoàn chỉnh hệ thống văn bản hướng dẫn công tác quản lý rác thải; hướng dẫn các trường hợp được chỉ định giao đất (nếu có), miễn tiền thuê đất lĩnh vực đầu tư, hoạt động bảo vệ môi trường. Về trách nhiệm vận hành các công trình bảo vệ môi trường đối với các dự án xây dựng khu dân cư, đô thị, cần có hướng dẫn cụ thể đối với nội dung chồng chéo giữa Luật Bảo vệ môi trường và Luật Xây dựng theo hướng giao cho chủ đầu tư vận hành công trình bảo vệ môi trường và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra ô nhiễm…
Cử tri huyện Thoại Sơn và thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang) phản ánh một số tồn tại trong việc cung cấp thuốc, trang thiết bị y tế; công tác quản lý, giám sát cán bộ; ô nhiễm môi trường; đầu ra cho nông sản; các vấn đề bất cập ở lĩnh vực y tế, giáo dục…
Những ý kiến tâm huyết, đóng góp của cử tri đều được Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố ghi nhận, tiếp thu để tổng hợp trình Quốc hội và chuyển đến các cơ quan Trung ương, địa phương và cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.