Ý kiến cán bộ, đảng viên về Hội nghị Trung ương 4: Kiên quyết xử lý đảng viên vi phạm

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa diễn ra tại Hà Nội từ ngày 4 - 7/10. Vấn đề được nhiều cán bộ, đảng viên tỉnh Bến Tre quan tâm là việc xử lý đảng viên vi phạm và việc tăng năng lực sản xuất cho nông nghiệp.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 4. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Kiên quyết xử lý đảng viên vi phạm

Ông Từ Xuân Tiếng, Bí thư Đảng ủy xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, cho biết, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng thảo luận vấn đề "tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" là rất đúng đắn trong thời điểm hiện nay. Điều này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Đảng trong tiến hành công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng thật trong sạch, vững mạnh. Qua đó, đảng viên rất đồng tình, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng. 

Theo ông Từ Xuân Tiếng, trong thời gian qua có nhiều cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống đã bị xử lý kỷ luật nghiêm, kể cả cán bộ cấp cao. Các biểu hiện suy thoái được nhận diện ngày càng đầy đủ và từng bước được đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi.

Ông Từ Xuân Tiếng kiến nghị, thời gian tới, khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XIII Đảng cần tiếp tục kiên quyết xử lý các đảng viên vi phạm vì có đầy đủ quy định và đã trải qua thời gian dài khi triển khai Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII.

Bí thư Đảng ủy xã Châu Bình cho biết, trên cơ sở những kết quả đã đạt được cùng với việc quán triệt sâu sắc bài học kinh nghiệm quý báu về xây dựng, chỉnh đốn Đảng thông qua công tác cán bộ và đội ngũ đảng viên, Đảng ủy xã tiếp tục kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, XII và tiếp thu những nội dung mới được nêu trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XIII, nhất là việc xử lý các vấn đề tiêu cực trong Đảng, từ đó, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái, tiêu cực, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tạo được niềm tin trong nhân dân; phát huy vai trò hạt nhân chính trị của tổ chức đảng trong lãnh đạo chính quyền và nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Ông Từ Xuân Tiếng cho biết thêm, trên cơ sở nhận thức đầy đủ, sâu sắc "một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" theo Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI và yêu cầu về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, Đảng ủy xã đã nghiêm túc tiếp thu, triển khai thực hiện bằng các chương trình hành động, kế hoạch cụ thể gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", đồng thời yêu cầu tất cả cán bộ, đảng viên cam kết thực hiện.

Đảng ủy xã chú trọng việc lãnh đạo thực hiện quy chế làm việc; công khai, minh bạch trong công tác cán bộ; phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng cấp ủy viên; thực hiện nghiêm các nguyên tắc trong xây dựng Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; tự phê bình và phê bình; đề cao tính gương mẫu và tinh thần ‘tự soi, tự sửa" của cán bộ, đảng viên, nhất là những đảng viên có chức vụ.

Đảng ủy xã Châu Bình sẽ tập trung lãnh đạo thực hiện tốt việc đưa chuyên đề phòng, chống 27 biểu hiện suy thoái theo Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII vào trong sinh hoạt cấp ủy, chi bộ. Hằng tháng, cấp ủy và chi bộ chọn một số cấp ủy viên, đảng viên để tự kiểm điểm, soi lại bản thân, đối chiếu với các biểu hiện suy thoái để tự nhận diện, có kế hoạch khắc phục, sửa chữa. Đây là giải pháp rất cơ bản giúp Đảng bộ xã ngăn chặn và từng bước đẩy lùi các biểu hiện suy thoái, bởi thông qua việc sinh hoạt chuyên đề hàng tháng đã giúp từng đảng viên nhận diện ngày càng đầy đủ, rõ nét hơn về các biểu hiện suy thoái, qua đó, chủ động phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn, góp phần xây dựng tổ chức đảng ngày càng trong sạch,vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, đủ năng lực lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, nhất là tập trung thực hiện chỉ tiêu xây dựng xã Châu Bình đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, hướng đến là xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Tăng năng lực sản xuất cho nông nghiệp

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Đức, hiện nay, dịch COVID-19 ở các tỉnh, thành phía Nam cơ bản được kiểm soát khá tốt. Vì vậy, vấn đề đặt ra là có những giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế trong trạng thái "bình thường mới", trước mắt là các tháng cuối năm 2021. 

Ông Huỳnh Quang Đức đề xuất, Nhà nước cần có giải pháp tăng cường năng lực cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trong thời kỳ ảnh hưởng của dịch COVID-19, đặc biệt là lực lượng lao động trực tiếp. Ngoài giải pháp tổ chức sản xuất, địa phương rất quan tâm tới việc phòng, chống dịch bệnh đối với những người sản xuất trực tiếp. Do đó, địa phương mong muốn, Trung ương tạo điều kiện cung cấp nguồn vaccine cho lực lượng sản xuất trực tiếp tại địa phương để đảm bảo nguồn lao động không bị thiếu hụt khi phục hồi sản xuất; có giải pháp mạnh mẽ, tích cực hơn cho việc phục hồi chuỗi giá trị trong sản xuất.

Trung ương cần tổ chức xúc tiến thương mại, thương lượng trao đổi các mặt hàng với thị trường quốc tế, trong đó có mặt hàng dừa Bến Tre. Đây là mặt hàng địa phương có khả năng xuất khẩu rất tốt cần được tích cực tháo gỡ trong thời gian.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho rằng kinh tế suy sụp sẽ ảnh hưởng đến vấn đề an sinh. Các địa phương cần chủ động, có trách nhiệm trong tổ chức sản xuất tại địa phương mình bởi thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập như, ràng buộc về vận chuyển hàng hóa nông sản của các doanh nghiệp trong tỉnh với lý do phòng chống dịch. Các tổ hợp tác, hợp tác xã đều ngưng hoạt động.

Hiện nay, vấn đề xuất khẩu nông sản chủ lực của tỉnh như dừa, bưởi da xanh đang gặp khó khăn. Các quốc gia đang thận trọng trong việc nhập khẩu hàng hóa, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với mặt hàng trái cây tươi, việc tạo rào cản bằng các quy định về nhập khẩu đang gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu của địa phương. Riêng vấn đề liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa các tỉnh, thành, ngành chức năng cần chú ý đến vùng nguyên liệu từ thực tiễn không gian sản xuất hơn là địa giới hành chính. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh vùng nguyên liệu các tỉnh ngày càng thu hẹp do yếu tố dân sinh, đô thị hóa.

Vùng sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết chuỗi cần quan tâm đến tạo giá trị tăng thêm cho nông sản tại địa phương, không nên chỉ suy nghĩ đơn giản là giải bài toán tiêu thụ nông sản cho nông dân và giải quyết nguyên liệu cho doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt chuỗi phải đủ mạnh trên các lĩnh vực như công nghệ, tài chính, thị trường (trong và ngoài nước). Chỉ có như vậy mới có khả năng phát huy các lợi thế vùng nguyên liệu, biến những thành sức mạnh cạnh tranh và mang lại lợi ích thiết thực cho người trực tiếp sản xuất. Một chuỗi giá trị sản xuất có lợi không nhất thiết phải có nhiều doanh nghiệp tham gia mà quan trọng nhất là có doanh nghiệp đầu tàu tham gia. Đây là những bài học rất thực tế từ xây dựng chuỗi giá trị cho cây dừa ở Bến Tre.

Công Trí-Phúc Hậu (TTXVN)
Tập trung tuyên truyền kết quả Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII)
Tập trung tuyên truyền kết quả Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII)

Chiều 11/10, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị Báo cáo viên Trung ương để thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bằng hình thức trực tuyến tại 2.744 điểm cầu trên cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN