50 năm Thống nhất đất nước:

Xúc động hồi ức về tinh thần dũng cảm, hy sinh của bộ đội Việt Nam

Chiến tranh thật tàn khốc, nhiều chiến sĩ bộ đội Việt Nam dù bị mất chân, mất tay, mất tai, mất nửa má… nhưng họ vẫn rất lạc quan. Chúng tôi không chỉ khâm phục họ về tinh thần dũng cảm, hy sinh quên cả thân mình cho tổ quốc, mà còn học được nhiều phẩm chất tốt đẹp từ họ: chịu khó, lễ phép, yêu học hỏi…

Chú thích ảnh
Bà Vu Thục Huệ, cựu nhân viên y tế Bệnh viện Nam Khê Sơn (Quế Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc), nhân sĩ hữu nghị Trung - Việt trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Trung Quốc. Ảnh: Công Tuyên/PV TTXVN tại Trung Quốc

Đó là những hồi ức sâu sắc của bà Vu Thục Huệ, nguyên nhân viên y tế Bệnh viện Nam Khê Sơn (Quế Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc), nhân sĩ hữu nghị Trung - Việt khi kể về những ngày chữa trị cho các chiến sĩ bộ đội Việt Nam.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh về hồi ức những ngày công tác tại Bệnh viện Nam Khê Sơn, bà Vu Thục Huệ cho biết được thành lập từ năm 1968, bệnh viện khi đó có gần 600 người, trong đó 278 y bác sĩ đến từ Bắc Kinh, lớn nhất 41 tuổi, nhỏ nhất 19 tuổi, họ đã tận tâm, tận tình cứu chữa thương bệnh binh của Việt Nam, coi các chiến sĩ bộ đội Việt Nam như anh chị em ruột.

Bà Vu Thục Huệ bày tỏ: "Tôi cảm thấy chiến tranh quá tàn khốc, có rất nhiều thương bệnh binh khi được chuyển đến bệnh viện, tay chân bị mất do trúng mìn, phải trải qua thời gian dài mới đến được bệnh viện Nam Khê Sơn. Trong môi trường khắc nghiệt như vậy, bộ đội Việt Nam vẫn rất lạc quan, yêu đời, cố gắng chữa trị để sớm ngày khỏi bệnh quay trở lại chiến trường. Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, bộ đội Việt Nam luôn thường kể chuyện về quá trình chiến đấu tại chiến trường, giúp chúng tôi hiểu về sự khốc liệt của chiến tranh và lòng quả cảm của nhân dân Việt Nam".

Bộ đội Việt Nam có đức tình cần cù, chịu khó. Những bệnh nhân đã đỡ một chút, có thể ngồi dậy, đều tự dọn dẹp đồ dùng cá nhân, vệ sinh phòng bệnh. Bên cạnh đó, dù chiến tranh khốc liệt, có thể cướp mất cơ hội được đến trường, được học văn hóa của người dân. Nhưng những chiến sĩ bộ đội Việt Nam, dù đang nằm trong bệnh viện để điều trị, họ vẫn siêng năng, cần cù và đặc biệt hiếu học. Có những bệnh nhân, trong 3 tháng nằm chữa trị tại bệnh viện Nam Khê Sơn, đã tự học hết sách giáo khoa cấp một, cấp hai và cấp ba. Đây là một trong những đức tính tuyệt vời của bộ đội Việt Nam, một trong những đức tính ghi lại dấu ấn sâu sắc trong bà Vu Thục Huệ.

Mỗi một giai đoạn, khi bệnh nhân khỏi bệnh, bệnh viện thường tổ chức lễ chia tay đơn giản, tiễn những người bộ đội Việt Nam về nước. Khi chia tay, không ai cầm nổi nước mắt, tiễn bệnh nhân ra ga, còn ôm nhau, bịn rịn mãi. Tình cảm ấy, đến nay nghĩ lại vẫn như mới hôm qua.

Theo bà Vu Thục Huệ, trong suốt 8 năm, bệnh viện Nam Khê Sơn đã cứu chữa 5.432 thương bệnh binh Việt Nam, thực hiện 2.576 ca phẫu thuật và hiến tặng 779.220 ml máu cho thương bệnh binh Việt Nam. Riêng bà đã tự nguyện hiến hơn 1.000 ml máu. Bà Vu Thục Huệ chia sẻ: “Chúng tôi dùng máu đào của mình để hiến cho các chiến sĩ Việt Nam, khi dòng máu của chúng tôi chảy vào trong huyết quản của các đồng chí Việt Nam, hai dòng máu của hai dân tộc hòa quyện vào nhau, đồng nghĩa với tình hữu nghị của nhân dân hai nước mãi mãi bền chặt”.

Điều làm bà Vu Thục Huệ xúc động nhất chính là những việc làm của bà và các đồng nghiệp của bà tại bệnh viện Nam Khê Sơn đã được các chiến sĩ thương binh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam biết ơn và ghi nhận.

Chú thích ảnh
Các bác sĩ Bệnh viện Nam Khê Sơn (Quế Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc) điều trị cho thương binh Việt Nam. Ảnh: TTXVN phát

Bà Vu Thục Huệ cho biết vào tháng 5/2024 khi được mời sang Việt Nam tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, trong khi đang tham dự một bữa tiệc chào mừng, bà bỗng nghe thấy có 1 đồng chí sĩ quan quân đội của Việt Nam đi vào và nói “tôi muốn tìm và gặp cô y tá năm xưa đã hiến máu để cứu tôi”. Nghe thấy câu nói đó, bà liền bỏ đũa xuống, nước mắt tự nhiên tuôn ra, bà xúc động chia sẻ “không ngờ đã gần 60 năm đã trôi qua, mà người chiến sĩ đó vẫn nhớ đến bà, nhớ đến nghĩa cử cao đẹp hiến máu và chữa trị cho họ của bà”.

Ngoài ra, trong mỗi dịp lãnh đạo Đảng, Chính phủ Việt Nam như Tổng Bí thư Tô Lâm (tháng 8/2024), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (tháng 6/2024)…, sang thăm Trung Quốc và tổ chức gặp mặt các nhân sĩ hữu nghị Trung - Việt, bà đều vinh dự được tham gia và đại diện phát biểu chia sẻ về tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Chia sẻ cảm nhận của mình về những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được sau 50 năm thống nhất đất nước, bà Vu Thục Huệ cho biết 50 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội; nhân dân đã trở nên giàu có hơn, điều kiện sống cả về vật chất lẫn tinh thần không ngừng được nâng cao và cuộc sống hạnh phúc hơn. Các lĩnh vục như giao thông, văn hóa, xây dựng… đều đã có những thay đổi to lớn.

Bà Vu Thục Huệ mong muốn trong tương lai sẽ có nhiều dịp sang thăm Việt Nam, có cơ hội gặp lại các đồng chí thương binh Việt Nam mà bà đã từng giúp đỡ. Bà cũng hy vọng hai nước Trung Quốc và Việt Nam luôn cùng nhau hợp tác và phát triển; mong muốn tình hữu nghị “vừa là đồng chí, vừa là anh em” giữa nhân dân Trung Quốc và Việt Nam sẽ mãi trường tồn và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Công Tuyên - Quang Hưng (TTXVN)
50 năm Thống nhất đất nước: Nguồn cảm hứng cho phong trào giải phóng toàn cầu
50 năm Thống nhất đất nước: Nguồn cảm hứng cho phong trào giải phóng toàn cầu

Chiến thắng 30/4/1975 là một trong những khoảnh khắc vĩ đại trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Đó là lời khẳng định của giáo sư Ezequiel Ramoneda, Chủ tịch Hiệp hội Mỹ Latinh về nghiên cứu châu Á và châu Phi (ALADAA) tại Argentina.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN