Ông Vũ Xuân Bách - quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết, năm 2023, các cơ quan quản lý hàng dự trữ quốc gia đã tổ chức xuất cấp kịp thời những mặt hàng thiết yếu như: lương thực, vật tư, thiết bị hạt giống, vaccine, hóa chất sát trùng, để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống dịch bệnh, giáp hạt, thiếu đói lương thực đảm bảo an sinh xã hội và các nhiệm vụ đột xuất khác. Tổng giá trị hàng xuất cấp đạt trên 1.500 tỷ đồng và tạm xuất hàng với giá trị khoảng 31 tỷ đồng.
Trong số đó, Bộ Tài chính xuất cấp lương thực, vật tư, thiết bị dự trữ quốc gia trị giá khoảng 1.448 tỷ đồng, gồm 108.118 tấn gạo, trị giá khoảng 1.300 tỷ đồng và vật tư, thiết bị trị giá khoảng 148 tỷ đồng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp các mặt hàng trị giá khoảng 58,1 tỷ đồng, gồm 180,05 tấn hạt giống cây trồng, 100.000 liều vaccine các loại, 430 tấn hóa chất sát trùng thủy sản, 45.000 lít hóa chất sát trùng cho gia súc gia cầm để hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch bệnh, ổn định sản xuất. Bộ Y tế xuất cấp các mặt hàng trị giá khoảng 3,6 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2023, ngành dự trữ Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tập trung xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật; xây dựng quy chuẩn kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia; xây dựng Quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải là những bộ có nhiều sự phối hợp với Tổng cục Dự trữ Nhà nước trong năm 2023.
Theo quyền Tổng cục trưởng Vũ Xuân Bách, kết quả đạt được của ngành dự trữ Nhà nước trong năm 2023 là khá toàn diện, bao gồm thực hiện tốt xuất cấp, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động dự trữ quốc gia; quản lý chất lượng hàng, bảo quản, bảo vệ an toàn hàng dự trữ quốc gia,...
Năm 2024, ông Vũ Xuân Bách đề nghị, ngành dự trữ Nhà nước triển khai một số nhiệm vụ, gồm tiếp tục và tăng cường xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách về dự trữ quốc gia, tạo hành lang pháp lý đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, hiệu quả; trong đó trọng tâm là xây dựng hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế - kỹ thuật; rà soát danh mục hàng để kịp thời bổ sung danh mục thiết yếu cho việc bảo đảm mục tiêu dự trữ quốc gia đồng thời đưa ra khỏi danh mục những mặt hàng không cần thiết.
Bên cạnh đó, phấn đấu thực hiện chỉ tiêu kế hoạch dự trữ quốc gia năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Tổng cục Dự trữ Nhà nước và các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia; tập trung giải ngân 100% dự toán được giao trong năm 2024.
Đặc biệt, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương có liên quan, trình cấp có thẩm quyền quyết định xuất cấp hàng dự trữ quốc gia hỗ trợ, cứu trợ các địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt, hạn hán, mất mùa, khống chế dịch bệnh, đảm bảo an ninh, quốc phòng và nhiệm vụ đột xuất cấp bách khác; chuẩn bị tốt mọi nguồn lực dự trữ quốc gia; chủ động triển khai thực hiện xuất cấp hàng khi có quyết định của cấp có thẩm quyền đảm bảo nhanh chóng, kịp thời.