Theo NHNN, thời gian qua, các giải pháp xử lý nợ xấu đã được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD. Bên cạnh đó, Nghị quyết 42 bước đầu đã tạo điều kiện quan trọng góp phần xử lý nợ xấu tại các TCTD, đến cuối tháng 6/2018 tỷ lệ nợ xấu so với so với tổng nợ là 2,09%, giảm so với thời điểm 31/12/2016 (2,46%).
Trong ảnh: Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN.
|
Về thu giữ tài sản bảo đảm, Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) đã thực hiện thu giữ 6 tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ, cụ thể: Tài sản bảo đảm của Công ty cổ phần Thép Tân Quốc Duy (bảo đảm cho khoản nợ của Công ty cổ phần Thuận Kiều) tại Đường Kha Vạn Cân, Dĩ An, Bình Dương; Tài sản bảo đảm của nhóm khách hàng Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower là Dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C tại địa chỉ 34 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM - khoản nợ xấu lớn nhất mà VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt với tổng nợ gốc và lãi gần 7.000 tỷ đồng...
“Xử lý nợ xấu đã thực chất hơn”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói; đồng thời cho rằng, qua đó hệ thống ngân hàng đã được gia cố chắc chắn hơn nhìn từ tỷ lệ an toàn vốn tăng, dự trữ thanh khoản tốt, vốn điều lệ tăng, quy mô tài sản, hoạt động các ngân hàng tăng trưởng ấn tượng.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng đã giao nhiệm vụ NHNN tiếp tục phát huy vai trò đầu mối, phối hợp với các bộ ngành liên quan thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 theo hướng tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, kịp thời phát hiện và chủ động thực hiện những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu.
Thứ nhất, phấn đấu từ nay đến năm 2020, hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu đã đề ra, riêng trong năm 2018, phấn đấu hoàn thành 30% mục tiêu đặt ra cho cả giai đoạn 2016-2020; đến năm 2020 tăng gấp 2 lần tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại (NHTM).
Thứ hai, xử lý và kiểm soát nợ xấu để đến năm 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3%. Phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống TCTD về mức an toàn theo thông lệ quốc tế.
Thứ ba, tập trung nguồn lực thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 42 và Quyết định số 1058, trong đó xác định những giải pháp then chốt, hiệu quả nhằm xử lý dứt điểm các TCTD yếu kém trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra những rủi ro phát sinh trong quá trình cơ cấu lại, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của cả ngân hàng, người đi vay và người gửi tiền.
Thứ tư, thực hiện ngay các giải pháp tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động của các TCTD, bảo đảm tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng.
Thứ năm, đối với các TCTD cần chủ động thực hiện kế hoạch cơ cấu lại của ngân hàng mình theo hướng tuân thủ các quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng, nâng cao chất lượng tín dụng, phân loại đúng và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ đối với các khoản nợ xấu, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, tăng cường chất lượng và doanh thu từ các dịch vụ phi tín dụng, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, đạo đức.
Thứ sáu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, thanh tra, giám sát của NHNN để phát hiện kịp thời và hạn chế tối đa những sai phạm, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với hệ thống ngân hàng, trong đó coi trọng công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ để phát hiện và xử lý kịp thời những tồn tại, yếu kém và sai phạm trong hệ thống ngân hàng.
Thứ bảy, nâng cao hiệu quả phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc cơ cấu lại các TCTD, phối hợp giữa ngành ngân hàng và các cơ quan tư pháp trong xử lý nợ xấu nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm.
Quán triệt tới toàn ngành ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định: Những kết quả đạt được trong thời gian qua đối với xử lý nợ xấu là rất tích cực. Theo ông Hưng, trên cơ sở Nghị quyết 42 và Luật các TCTD, NHNN đã ban hành các văn bản, thông tư hướng dẫn để đảm bảo tính minh bạch, tăng cường kiểm soát nội bộ, cải thiện môi trường kinh doanh cho hoạt động ngân hàng.
Trong thời gian tới, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng yêu cầu chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố, các TCTD nắm vững các nội dung của Chỉ thị 07 mới ban hành và các văn bản, thông tư của NHNN để tích cực triển khai xử lý nợ xấu.
Các chi nhánh NHNN phải phối hợp với các sở, ban ngành địa phương, nhất là với hoạt động thu giữ tài sản trong xử lý nợ xấu. Nếu gặp vướng mắc, khó khăn gì phải báo cáo về trung ương để có giải pháp xử lý. Với các TCTD cần phối hợp chặt chẽ với NHNN và tuân thủ đúng pháp luật trong quá trình xử lý nợ xấu.