Bắc Ninh thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã
Ngày 29/8, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Bắc Ninh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức kỳ họp thứ 20 (chuyên đề) để xem xét, quyết nghị những nội dung, công việc mang tính cấp thiết, quan trọng của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống nhân dân.
Các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến và biểu quyết thông qua các nghị quyết về: Chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025; Đề án điều chỉnh, đặt tên đường, tên phố đô thị Chờ mở rộng (đô thị Yên Phong), đợt 2; điều chỉnh chỉ tiêu biên chế công chức năm 2024; bãi bỏ mục 2,3,4,5 - Phụ lục số 03, Nghị quyết số 166/NQ-HĐND ngày 17/4/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 về việc phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết cho các tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 được kỳ họp thông qua, huyện Lương Tài sẽ thành lập xã Quang Minh trên cơ sở sáp nhập xã Trừng Xá và xã Minh Tân; thành lập xã An Tập trên cơ sở sáp nhập xã Lai Hạ với xã Mỹ Hương. Thành phố Bắc Ninh sẽ thành lập phường Tiền Ninh Vệ trên cơ sở sáp nhập các phường Tiền An, Ninh Xá, Vệ An; thị xã Quế Võ thành lập xã Chi Lăng trên cơ sở sáp nhập xã Hán Quảng và xã Chi Lăng.
Theo Đề án điều chỉnh, đặt tên đường, tên phố đô thị Chờ mở rộng (đô thị Yên Phong), sẽ điều chỉnh kéo dài 2 tuyến đường (đường Văn Tiến Dũng, đường An Dương Vương) và tuyến phố Nguyễn Nghiêu Tá; đặt tên mới 3 tuyến đường (đường tỉnh 277 cũ đặt tên là đường Nguyễn Văn Trân, đường tỉnh 276 đặt là đường Đạo Huệ, đường tỉnh 277 mới đặt là đường Lý Thường Kiệt), đồng thời đặt tên mới 28 tuyến phố thuộc Khu đô thị Mới, Khu nhà ở Đồng Riệc, Khu nhà ở Nghiêm Xá (thị trấn Chờ).
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang đề nghị UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai các nghị quyết bảo đảm hiệu quả; trong đó triển khai việc sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn, bảo đảm sự ổn định, thống nhất và liên tục; chủ động phương án bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách gắn với chuẩn bị tốt phương án nhân sự Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2025 - 2030. UBND tỉnh xây dựng phương án quản lý và sử dụng hợp lý cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục, trụ sở làm việc, không để ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các xã, phường sau khi sáp nhập; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong khi thực hiện thủ tục hành chính, chuyển đổi giấy tờ theo đơn vị hành chính mới. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; phổ biến kịp thời, đầy đủ, sâu rộng về chủ trương, phương án sắp xếp đơn vị hành chính theo kế hoạch.
Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, tăng cường năng lực lãnh đạo, điều hành, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; tạo sự chuyển biến tích cực trên các mặt công tác, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới; siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương tài chính, khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong thực thi công vụ; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý, điều hành.
Lấy ý kiến tác động của việc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng
Chiều 29/8, HĐND tỉnh Thái Bình khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, đã tổ chức kỳ họp nhằm giải quyết nhiều công việc đột xuất trên địa bàn.
Các đại biểu đã tập trung xem xét, thảo luận, thông qua các Nghị quyết: Về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Nhà điều trị truyền nhiễm và một số hạng mục phụ trợ của Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư, Bệnh viện Đa khoa Thái Ninh và Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng; việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng kè bảo vệ đê phía sông, đoạn từ K0+350 đến K0+750 và đắp tôn cao, hoàn thiện mặt cắt đê từ K0+400 đến K2+000, đê cửa sông Hữu Hóa thuộc địa phận xã Thụy Quỳnh, huyện Thái Thụy; việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh Thái Bình; việc ban hành quy định về thẩm quyền quyết định việc đầu tư, mua sắm các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Thái Bình; điều chỉnh Bảng giá các loại đất…
Đặc biệt, HĐND tỉnh Thái Bình đã thông qua Nghị quyết cho ý kiến về tác động của việc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình (tuyến đường cao tốc CT.08) theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Dự án tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình, có chiều dài khoảng 60,9 km, trong đó, Thái Bình 33,3 km; Nam Định 27,6 km. Điểm đầu dự án tại Km19+300 tại đầu cầu vượt sông Đáy phía Nam Định, thuộc địa bàn xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định; điểm cuối tại khoảng Km80+200 tại nút giao giữa quốc lộ 37 mới và đường ven biển, thuộc địa bàn xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Quy mô đầu tư 4 làn xe hoàn chỉnh, vận tốc thiết kế 120 km/h. Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án bao gồm cả lãi vay (lãi vay trong thời gian thực hiện dự án gần 857 tỷ đồng) là hơn 19.784 tỷ đồng; thời gian thực hiện Dự án dự kiến từ năm 2023 đến năm 2027.
Nghị quyết thống nhất các nội dung đánh giá tác động của việc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức đối tác công tư (đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Thái Bình). Cụ thể, Dự án tuyến đường cao tốc CT.08 hoàn toàn phù hợp với các nội dung liên quan đến quốc phòng, an ninh trong khu vực; góp phần tạo điều kiện quan trọng đối với việc cơ động, huy động nguồn lực đối với các phương án tác chiến giữ vững quốc phòng, an ninh của khu vực và đất nước.
Ngoài ra, tuyến đường cao tốc CT.08 hoàn thành sẽ kết nối với hệ thống các tuyến cao tốc trong khu vực như: Tuyến cao tốc Bắc Nam, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; các tuyến Quốc lộ: 10, 1A, 21, 37, 39, tuyến đường bộ ven biển; các trục phát triển kinh tế của các tỉnh như: trục phát triển kinh tế tỉnh Nam Định, tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần, tuyến đường Thái Bình - Cồn Vành; kết nối với cảng hàng không quốc tế Cát Bi, sân bay quốc tế Vân Đồn, các cảng biển và cửa khẩu quốc tế Móng Cái; góp phần tăng khả năng kết nối giao thông với các tuyến đường bộ trong khu vực, giữa các địa phương của Vùng duyên hải Bắc Bộ; mở rộng không gian phát triển, kéo dãn mật độ dân cư các thành phố trong khu vực.
Tuyến đường cao tốc CT.08 hoàn thành còn mang lại một số lợi ích về mặt kinh tế - xã hội như: Lợi ích do giảm giá thành vận tải, do mở rộng vùng hấp dẫn của tuyến đường, giảm thời gian lưu thông, giảm nguy cơ tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, thúc đẩy việc phát triển, khai thác tiềm năng của địa phương đẩy mạnh thị trường kinh tế, nhịp độ tăng trưởng kinh tế, giảm mức độ ô nhiễm môi trường (do chất lượng khai thác của đường được nâng cao), phát triển văn hóa, giáo dục...
Phát biểu bế mạc Kỳ họp, ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, để tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết đã được HĐND tỉnh thông qua, đề nghị UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động triển khai thực hiện các Nghị quyết đảm bảo trình tự, thủ tục, quy trình theo quy định pháp luật hiện hành; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện để các Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.
Các đại biểu HĐND tỉnh bằng hình thức phù hợp, thông tin đến cử tri trong tỉnh về kết quả của kỳ họp, thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri, tích cực giám sát việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh…