Diễn ra trong hai ngày 4 - 5/9, hội thảo nhằm cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn để tổng kết, đánh giá thực trạng xây dựng hệ thống pháp luật hiện nay, thực tiễn thi hành, từ đó đánh giá mức độ hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã đề ra trong gần 15 năm thực hiện, đánh giá những mục tiêu còn nguyên giá trị, cần tiếp tục thực hiện, cũng như những mục tiêu cần có sự điều chỉnh trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, hội thảo đề xuất các định hướng, giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.
Đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ: Trong gần 15 năm qua, từ năm 2005 đến nay, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên mọi mặt của đời sống xã hội. Một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần tạo nên thành công, đó là công tác xây dựng hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật đã được đẩy mạnh trên tất cả các lĩnh vực theo các yêu cầu, định hướng, giải pháp mà Nghị quyết 48-NQ/TW đã đề ra.
Nghị quyết đã mang lại những cải cách quan trọng, đáng ghi nhận trong xây dựng, thi hành pháp luật, góp phần không nhỏ vào kết quả thực hiện các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội đã có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật cũng được nâng lên, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật trên thực tế.
Mặc dù vậy, hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: hệ thống pháp luật còn thiếu tính ổn định, trong nhiều lĩnh vực các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung trong thời gian ngắn, dẫn đến khó khăn trong áp dụng pháp luật. Tính thống nhất của hệ thống pháp luật chưa cao, còn tồn tại những văn bản có những quy định mâu thuẫn, chồng chéo. Việc xây dựng pháp luật chưa thực sự gắn kết với tổ chức thi hành pháp luật, làm giảm hiệu lực pháp luật...
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay, tình hình trong nước và quốc tế tiếp tục có nhiều biến động, diễn biến phức tạp. Việt Nam tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Cho đến nay, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế và quản lý đất nước...
Cùng với đó, xu thế toàn cầu hóa đang phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt hơn. Bối cảnh ấy đặt ra yêu cầu Đảng và Nhà nước ta phải tiếp tục đổi mới cả trong nhận thức, thực tiễn xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị, nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đổi mới cơ chế hoạch định, thực thi chính sách, pháp luật. Trong đó, việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng đất nước dân chủ, văn minh, giàu mạnh là hết sức quan trọng.
Nghị quyết số 48-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành ngày 24/5/2005. Ra đời trong bối cảnh nước ta đang từng bước xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết 48-NQ/TW đã thể hiện tập trung đường lối lãnh đạo của Đảng, sự quyết tâm thực hiện nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, ổn định, minh bạch theo tinh thần Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX.
Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 là chiến lược đầu tiên mang tính toàn diện và dài hạn về hoàn thiện hệ thống pháp luật ở nước ta. Chiến lược đã đưa ra sáu định hướng hoàn thiện thể chế về: tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị; bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; pháp luật về dân sự, kinh tế, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; pháp luật về giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa - thông tin, thể thao, dân tộc, tôn giáo, dân số, gia đình, trẻ em và chính sách xã hội; pháp luật về quốc phòng, an ninh; pháp luật về hội nhập quốc tế và hai nhóm giải pháp về xây dựng, hoàn thiện pháp luật.
Đồng thời, Chiến lược cũng đưa ra cách tiếp cận hệ thống pháp luật một cách toàn diện, gắn kết xây dựng pháp luật với thi hành pháp luật với bốn trụ cột chính của hệ thống pháp luật, gồm: thể chế; thiết chế thi hành pháp luật; nhân lực làm công tác pháp luật; thông tin pháp luật. Chiến lược cũng tiếp tục làm rõ hơn những vấn đề lý luận nền tảng về hệ thống pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Chuẩn hóa quy trình xây dựng pháp luật
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; xây dựng và hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Quốc Toản, chuyên gia cao cấp, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nhận định: Đất nước đang đứng trước yêu cầu chuyển mạnh sang mô hình phát triển theo chiều sâu, dựa vào nguồn nhân lực chất lượng cao, dựa chủ yếu vào đổi mới, sáng tạo, khoa học, công nghệ, đón nhận Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bối cảnh này đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật vừa bảo đảm sự ổn định, vừa tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy phát triển nhanh, thích ứng kịp thời những thay đổi nhanh của tình hình thế giới và trong nước.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Quốc Toản cho rằng để thực hiện yêu cầu này thì cần đặc biệt coi trọng công tác nghiên cứu lý luận gắn với tổng kết thực tiễn trong xây dựng pháp luật; nghiên cứu thấu đáo, đồng bộ các phương diện pháp lý, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường… trong xây dựng pháp luật, nhằm bảo đảm tính khoa học, thực tiễn và tính khả thi của quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, các cơ quan cần nghiên cứu đẩy mạnh quá trình chuẩn hóa, khoa học hóa, hiện đại hóa quy trình xây dựng pháp luật từ khâu đưa ra sáng kiến lập pháp, xây dựng dự thảo văn bản pháp luật, đưa dự thảo lấy ý kiến tham gia, phản biện của các cơ quan liên quan, của các đối tượng chịu sự điều chỉnh, cho đến việc thẩm định và cuối cùng là Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua. Điều quan trọng là phải chế định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giải trình của tất cả các chủ thể tổ chức Đảng, các cơ quan Nhà nước và các tổ chức xã hội đã được giao nhiệm vụ.