Xây dựng nền hành chính hiện đại, kiến tạo vì dân phục vụ - Bài 1: Động lực đột phá

Xác định công tác cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, khâu đột phá góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai tập trung chỉ đạo sâu sát, đồng bộ trên các lĩnh vực, nhằm xây dựng chính quyền thân thiện, minh bạch, giảm tiêu cực, nhũng nhiễu, phiền hà, hướng đến nền hành chính hiện đại, vì dân phục vụ.

Để làm rõ hơn những tiến bộ trong cải cách hành chính ở tỉnh này, phóng viên TTXVN thực hiện 2 bài viết "Xây dựng nền hành chính hiện đại, vì dân phục vụ".

Bài 1: Động lực đột phá

Chú thích ảnh
Phó giám đốc Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Thanh Thảo kiểm tra các quầy làm việc tại Trung tâm thông qua hệ thống camera quan sát. Ảnh: TTXVN phát

Với quan điểm “đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho sự phát triển”, Đồng Nai tiếp tục xây dựng nền hành chính công chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, trên cơ sở những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
 
Thuận tiện cho người dân

Đến làm lý lịch tư pháp tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Đồng Nai, ông Trần Thanh Hòa (Hố Nai) vui vẻ nói: "Cán bộ tiếp dân rất niềm nở, nhiệt tình. Nếu hồ sơ còn thiếu, cán bộ tại đây hướng dẫn làm đúng trình tự, nhanh chóng và thuận lợi hơn rất nhiều. Đặc biệt, tại Trung tâm còn có đội ngũ thanh niên tình nguyện hướng dẫn cặn kẽ, chu đáo".

Anh Nguyễn Thanh Chương (Thành phố Hồ Chí Minh) đến thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm cho công ty. Anh cho biết rất vui mừng khi được cán bộ Trung tâm đón tiếp, hướng dẫn, phục vụ với thái độ ân cần, hòa nhã, tận tình, chuyên nghiệp. Trung tâm có trang bị máy tính, giúp anh dễ dàng tra cứu, tìm hiểu về các thủ tục hành chính có liên quan.

Đồng Nai là một trong những địa phương đầu tiên xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai và thường xuyên cập nhật, điều chỉnh, hoàn thiện qua đo đạc thực tế... Cơ sở dữ liệu về đất đai là nền tảng để phát triển các ứng dụng công khai và tra cứu thông tin quy hoạch cho người dân qua nhiều kênh thông tin tiện ích như website, ứng dụng điện thoại. Tỉnh giải quyết nhanh chóng các yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai của người dân, doanh nghiệp. Dữ liệu đất đai cũng là nền tảng để Đồng Nai thực hiện liên thông điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính đất đai - thuế.

Tại Bộ phận Một cửa của thành phố Biên Hòa, mỗi ngày lượng hồ sơ giao dịch đất đai chiếm khoảng 70 - 80% hồ sơ đầu vào. Để hạn chế tình trạng quá tải, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai - Chi nhánh Biên Hòa đã lập Tổ chuyên môn trực hướng dẫn các thủ tục về đất đai. Đây là một trong những sáng kiến cải cách thủ tục hành chính của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai - Chi nhánh Biên Hòa. Hoạt động này được người dân đồng tình, ủng hộ vì không phải chờ đợi lâu, không phải tốn tiền “cò” làm hồ sơ. Tỷ lệ hồ sơ nộp thành công đạt cao.

Ông Hoàng Công Huấn (phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa) cho biết, đây là lần đầu tiên ông làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thủ tục pháp lý dù nhiều nhưng nhờ có sự hướng dẫn của cán bộ nên công việc của ông rất thuận lợi.

“Trước đây, tôi nghe nói làm hồ sơ đất đai thủ tục phiền hà, đi lại nhiều mà không có kết quả. Nay tôi đến được xem hồ sơ ngay, họ liệt kê các thủ tục để tôi hoàn thành hết rồi quay lại. Tôi khá hài lòng vì không mất thời gian chờ đợi, không phải đi nhiều lần”, ông Huấn chia sẻ.

Bà Lê Thị Ngọc Bình (phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa) cho biết, các lần trước, bà đều phải đến đây trước 7 giờ để bốc số, chờ đợi trong tâm thế không biết hồ sơ đã đủ hay chưa. Hiện tại, có người xem trước hồ sơ nên dù có đợi, bà cũng yên tâm. Yêu cầu về thủ tục pháp lý vẫn vậy nhưng nhờ có hướng dẫn ban đầu, bà đỡ mất công đi lại, đỡ tốn kém chi phí hơn.

Phó Giám đốc Phụ trách Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai - Chi nhánh Biên Hòa Đặng Văn Luận cho biết, sáng kiến này mới áp dụng tại Văn phòng. Sau một thời gian, đơn vị sẽ đánh giá kết quả của sáng kiến này, nếu hiệu quả sẽ tham mưu cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai để triển khai tại các văn phòng đăng ký khác trên địa bàn, giúp người dân tiết kiệm thời gian và chi phí, giúp cơ quan chuyên môn rút ngắn thời gian thẩm định, xử lý hồ sơ đúng hạn.

Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai đã triển khai công tác số hóa hồ sơ, thủ tục hành chính, từ đó, việc tìm kiếm, tra cứu thông tin được dễ dàng, giải quyết hồ sơ thuận tiện, tiết kiệm thời gian. Sở phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng nhân viên. Nhờ đó, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn đạt chỉ tiêu được giao, mang lại sự hài lòng cho người dân khi đến liên hệ công tác tại đơn vị.

Sở thực hiện công tác hỗ trợ doanh nghiệp lập hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, khuyến khích người dân và doanh nghiệp thực hiện đăng ký doanh nghiệp trực tuyến trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, góp phần xây dựng “chính quyền điện tử”. Đồng thời, Sở tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chữ ký số để thực hiện giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo việc tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả, nhằm rút ngắn thời gian tối đa để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức.

Nhiệm vụ trọng tâm

Chú thích ảnh
Thanh niên tình nguyện hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Nhật Bình/TTXVN

Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức, cải cách hành chính được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sau khoảng 2 năm triển khai Quyết định số 3183/QĐ-UBND ngày 9/9/2021 của UBND tỉnh về Chương trình tổng thể về cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030, một số nội dung đã được các đơn vị, địa phương bước đầu thực hiện tương đối tốt. Công tác kiểm soát thủ tục hành chính, tổ chức hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo quy định, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn và mức độ hài lòng của người dân được duy trì ở mức cao. Hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác cải cách hành chính, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp tiếp tục được kiện toàn, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến được cải thiện đáng kể. Công tác kiểm tra cải cách hành chính, công vụ được triển khai quyết liệt, kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế tại các đơn vị, địa phương.

Ông Võ Tấn Đức nhấn mạnh, các cấp, ngành phải xác định cải cách hành chính là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan và được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước, cần được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, tạo đột phá hơn nữa. Các đơn vị, địa phương huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp để việc thực hiện cải cách hành chính mang lại giá trị thiết thực cho chính quyền, người dân, doanh nghiệp, gắn với sự tham gia của cả hệ thống chính trị.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai Nguyễn Quốc Vũ cũng cho biết, tỉnh cải cách chế độ công vụ, công chức; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao đạo đức công vụ, thực thi nhiệm vụ gắn với vị trí, chức danh và yêu cầu nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh thanh, kiểm tra, giám sát việc triển khai cải cách hành chính, văn hóa công sở, văn hóa giao tiếp với nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức tại công sở các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Đồng Nai còn tiếp tục thực hiện tốt chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước; khắc phục tình trạng quá hạn trong giải quyết, giảm phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp.

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai Nguyễn Quốc Vũ, công tác cải cách hành chính của tỉnh đạt được nhiều kết quả khả quan. Tỉnh rà soát, kiến nghị đơn giản hóa, loại bỏ các thành phần hồ sơ không cần thiết, không hợp lý, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính; chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn, tờ khai, theo hướng cắt giảm thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa trong quá trình giải quyết một thủ tục hành chính hoặc nhóm thủ tục hành chính liên thông. Tỉnh đẩy mạnh việc tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ để xây dựng hoặc hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến; tích hợp, cung cấp lên Cổng dịch vụ công quốc gia đối với các thủ tục hành chính thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết.

Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Thanh Thảo cho biết, năm 2023, tỉnh đã bãi bỏ 148 thủ tục hành chính, đề xuất đơn giản hóa 254/1801 tổng thủ tục hành chính. Tổng số hồ sơ đã tiếp nhận của người dân, doanh nghiệp ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã là trên 2.737.000 hồ sơ; trong đó, hồ sơ giải quyết đúng hạn tại cấp Sở đạt hơn 99,6%, cấp huyện đạt trên 97%, cấp xã đạt gần 99%. Tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp ở cả 3 cấp là hơn 98,5%. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến được cải thiện trung bình 3 cấp đạt gần 44%.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Đồng Nai đã đăng hơn 350 tin, bài trên Trang thông tin điện tử về cải cách hành chính của tỉnh, Cổng hành chính công trên Zalo, Trang thông tin điện tử của đơn vị.
 
Bài cuối: Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo 

Văn Việt - Nhật Bình (TTXVN)
Xây dựng nền hành chính hiện đại, vì dân phục vụ - Bài cuối: Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo
Xây dựng nền hành chính hiện đại, vì dân phục vụ - Bài cuối: Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai xác định cải cách hành chính phải đi vào chiều sâu, phục vụ tốt nhất đời sống sinh hoạt của người dân và sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Tỉnh lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo, xem đây là điểm nhấn quan trọng để xây dựng nền hành chính hiện đại và hiệu quả nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN