Tại buổi làm việc, lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - cơ quan chủ quản và các cán bộ chủ chốt Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đã báo cáo, có các kiến nghị đề xuất với Đoàn công tác về các nội dung liên quan đến hoạt động giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu khoa học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa biểu dương những thành tích, bề dày truyền thống của Học viện Báo chí và Tuyên truyền qua 60 năm xây dựng, phát triển.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền dù tên có thể thay đổi qua nhiều thời kỳ nhưng bản chất, chức năng, nhiệm vụ vẫn cơ bản không thay đổi. Nhìn lại bề dày lịch sử 60 năm qua, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đào tạo hàng chục ngàn cán bộ cho cả nước, nhất là trong thời điểm bước ngoặt của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng như cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ đổi mới.
Hiện nay vị thế, uy tín của nhà trường không ngừng được nâng cao, thể hiện qua sự phát triển của đội ngũ cán bộ nhà trường và đội ngũ cán bộ được đào tạo, cùng những phần thưởng rất cao quý mà Đảng, Nhà nước, nhân dân đã trao tặng cho Học viện.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng như Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với tư cách là cơ quan chủ quản cần quan tâm lưu ý, tập trung làm tốt hơn một số nhiệm vụ. Trước hết, Học viện, với vị trí là một trường Đảng, trường tuyên huấn trong hệ thống của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần tiếp tục nhận thức rõ, sâu sắc hơn nữa tình hình chung và khu vực, các vấn đề liên quan đến công tác xây dựng Đảng, tình hình chính trị, tư tưởng nhân dân, để đưa ra những luận cứ, dự báo tốt, giúp cho cơ quan làm chiến lược tham mưu cho Đảng, Nhà nước đề ra những quyết sách đúng, chính xác.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao thời gian qua, một số vấn đề nổi cộm của xã hội đã được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trong đó có Học viện Báo chí và Tuyên truyền kịp thời xây dựng thành những chuyên đề lý luận để Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan chức năng ở Trung ương, cấp ủy địa phương có cơ sở về mặt lý luận để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, điều quan trọng nhất hiện nay với Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cần làm tốt hơn nữa việc giáo dục, tuyên truyền, học tập, xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, gắn nhiệm vụ này vào phát triển mục tiêu đào tạo.
Đối với Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Học viện làm thật tốt công tác này, đồng thời nghiên cứu đề xuất những luận cứ giúp cho Đảng xác định những điểm cơ bản, những điểm mới trong lãnh đạo, qua đó củng cố được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý Học viện Báo chí và Tuyên truyền cần bổ sung kịp thời vào chương trình giáo dục đào tạo của mình những tư duy mới về khoa học xã hội-nhân văn, khoa học chính trị. Bên cạnh những những lý luận cơ bản làm nền tảng, Học viện cần đi sâu vào nghiên cứu, làm rõ các quan điểm mới của Đảng, sớm cập nhật những quan điểm này vào hệ thống giáo trình đào tạo, không để lạc hậu.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu Học viện quán triệt sâu sắc quan điểm chung của công tác giáo dục, đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, cùng với gắn chặt với chức năng của Học viện là trường tuyên huấn, nơi đào tạo nguồn lực của Đảng.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị Học viện trở thành cơ sở đào tạo mẫu mực về giáo dục lý tưởng, đạo đức, lẽ sống đối với sinh viên, học viên, từ đó góp phần hình thành nên một đội ngũ đảng viên, cán bộ tương lai làm việc trong hệ thống chính trị có đủ phẩm chất, bản lĩnh chính trị vững vàng.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh Học viện cần làm tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, thù địch. Ở góc độ nghiên cứu, bảo vệ nền tảng tư tưởng, Học viện cần trở thành đơn vị đi đầu, góp phần làm sáng tỏ tính khoa học của chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, những vấn đề về đường lối đổi mới, lợi ích quốc gia, dân tộc gắn với trách nhiệm quốc tế.
Trên cơ sở đó, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, đội ngũ nghiên cứu khoa học lý luận chính trị của Học viện cần có tư duy để dẫn dắt được thông tin. Đặc biệt với thông tin trên không gian mạng, cán bộ, giảng viên, sinh viên-học viên của Học viện phải gương mẫu và phát huy thế mạnh của mình để trở thành những chiến sĩ trên mặt trận lý luận, tuyên truyền trong không gian mạng.
Ghi nhận công tác hội nhập quốc tế trong đào tạo của Học viện, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị thời gian tới, Học viện cần quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới, có khả năng làm việc trong môi trường hội nhập quốc tế; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần xây dựng hình ảnh, uy tín của hệ thống trường Đảng đối với quốc tế. Bên cạnh đó, Học viện cũng cần quan tâm nghiên cứu, bổ sung vào chương trình giảng dạy những lĩnh vực truyền thông-báo chí mới, hiện đại.
Về công tác xây dựng Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương một lần nữa nhắc lại yêu cầu Học viện xây dựng thành một cơ sở đào tạo mẫu mực, gương mẫu, đoàn kết, trách nhiệm dân chủ, chấp hành tốt nguyên tắc cơ bản của Đảng; quan tâm phát triển đảng trong sinh viên.
Về những vấn đề kiến nghị của Học viện và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận, đề nghị các Vụ liên quan của Ban Tuyên giáo Trung ương tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho chủ trương.