Trả lời câu hỏi của Đại biểu Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) về tình trạng ùn tắc nông sản tại cửa khẩu phía Bắc, mà một trong những nguyên nhân là yêu cầu về chất lượng nông sản của Trung Quốc ngày càng cao, Bộ có giải pháp gì để tăng chất lượng nông sản? Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, ùn ứ nông sản tại cửa khẩu chỉ là vấn đề đột biến trong thời gian ngắn, do vấn đề kiểm soát dịch bệnh phía Trung Quốc khác với Việt Nam.
Tuy nhiên, ông thừa nhận thị trường Trung Quốc ngày càng khó tính, trong khi nông dân Việt Nam đã quen đây là thị trường dễ tính. Trung Quốc đang siết chặt chất lượng nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm, trong khi chúng ta chậm thay đổi, tất nhiên có trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương, chậm thông tin cho nông dân biết và bà con ít quan tâm vấn đề thị trường.
Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết, với con số 14 triệu hộ nông dân trên cả nước, khó truyền thông hết được, nên đầy rủi ro. Chỉ có cách là tổ chức lại ngành hàng sản xuất, tổ chức thị trường, hiệp hội ngành hàng để thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng Bộ Ngoại giao đang xây dựng dự thảo chiến lược xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, để chuyển dần dần, tiến tới đưa nông sản Việt Nam "danh chính ngôn thuận" nhập khẩu sâu vào nội địa, ở phân khúc thị trường cấp cao của Trung Quốc. Để làm được điều này, đòi hỏi phải chuẩn hóa chất lượng sản phẩm.
Hàng năm, Bộ đã thống kê có hàng nghìn thông tin thay đổi biện pháp an toàn vệ sinh của các quốc gia trên thế giới đối với nông sản, để đưa đến nông dân những thay đổi đó, đáp ứng yêu cầu của nước bạn và giải quyết được những vấn đề trên.
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nhắc tới điệp khúc được mùa mất giá chưa có hồi kết, sản xuất nông nghiệp vẫn theo chiều rộng, tự phát, tiêu thụ phụ thuộc số ít thị trường... Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, đây là quy luật kinh tế cung - cầu và phải khống chế quy luật này qua hai cách: Khi dư thừa thì phải tăng chế biến để giảm lượng đưa ra thị trường và chuẩn hóa sản phẩm nông sản để thị trường thông suốt. Do đó, giải quyết vấn đề "được mùa mất giá" là bằng cách tổ chức lại sản xuất, chuẩn hoá, ngành hoá, thông tin minh bạch thị trường xuất khẩu, nội địa. Bộ Nông nghiệp nhận khuyết điểm trong điều hành, chuẩn hóa nông sản. Chưa tổ chức lại sản xuất thì chưa thành công và đối mặt rủi ro khi không đồng nhất nguyên liệu một loại nông sản...
Về câu chuyện nhiều nhà vườn phải phá bỏ vườn thanh long do không có đầu ra, chi phí vật tư đầu vào tăng cao, theo Bộ trưởng Nông nghiệp, chỉ khoảng 1/10 sản xuất theo quy trình hợp tác xã, phần lớn là bà con trồng không theo quy chuẩn. "Sự cạnh tranh giữa các nhà vườn, hợp tác xã tạo ra sự bất ổn để có danh chính ngôn thuận một vùng nguyên liệu ổn định", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.
Theo Bộ trưởng, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao các viện nghiên cứu chuẩn hóa lại quy trình sản xuất, trồng trọt để giảm chi phí đầu vào. "Các nước đang hướng tới nền nông nghiệp ít hơn để được nhiều hơn. Tức là tối thiểu hóa chi phí và tối đa hóa lợi nhuận bằng khoa học nông nghiệp", người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay.