Xác định vai trò Nhà nước trong phòng tránh thiên tai

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 10, sáng 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai.


 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai.

 

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, dự thảo gồm 5 chương, 46 điều, quy định về hoạt động phòng chống thiên tai, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động phòng chống thiên tai, quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm việc thực hiện phòng chống thiên tai.


Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí sự cần thiết ban hành luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; tăng cường quản lý nhà nước, hiệu quả hoạt động phòng, chống thiên tai, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng.


Các ủy viên UBTVQH đều cơ bản tán thành quan điểm, chủ trương và sự cần thiết ban hành luật. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo có nhiều điều khoản quy định còn chung chung, không dẫn chiếu hoặc quy định không rõ, dễ dẫn đến khó thực hiện hoặc hướng dẫn thực hiện tùy tiện; quy định trách nhiệm của các cơ quan chưa được rõ, chưa nhất quán, thiếu khả thi. Ban soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi cụ thể hơn một số quy định, dẫn chiếu đến các văn bản pháp luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, nâng cao tính khả thi của luật.


Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển, còn nhiều điều khoản trong dự thảo luật mang tính chất “kể việc”, “liệt kê” mà chưa có chế tài cụ thể, biện pháp xử lý như thế nào, ai chịu trách nhiệm; một số điều khoản trùng với quy định của các luật khác.


Chưa đồng tình với quy định về Quỹ phòng chống thiên tai, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc này khiến cho nguồn lực quốc gia bị phân tán và hiệu quả không cao. Mặt khác, cũng không thể giao cho Chính phủ quy định cụ thể mà phải do Quốc hội quyết định và đưa ngay vào luật.


Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa, việc thành lập Quỹ là cần thiết vì trong những trường hợp xảy ra động đất, sóng thần, bão, có nhiều tổ chức, cá nhân ủng hộ, cứu trợ, cũng cần có nơi quản lý cho chặt chẽ, minh bạch, rõ ràng. Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, cần chỉnh sửa cho chặt chẽ, quy định việc thành lập, cơ chế đóng góp, miễn giảm, quản lý và sử dụng Quỹ phòng chống thiên tai sát thực tiễn, khả thi; công bố minh bạch và công khai; làm rõ hơn khoản đóng góp bắt buộc của cá nhân, tổ chức là phí hay thuế.


Theo ông Nguyễn Kim Khoa, Nhà nước phải có trách nhiệm về công tác bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân trước thảm họa thiên nhiên, “nếu Nhà nước chỉ hỗ trợ thì không biết ai là chính trong việc này”. Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị luật cần quy định rõ: Nhà nước phải đóng vai trò trách nhiệm chủ đạo, là chủ thể chính đứng ra tổ chức, huy động lực lượng, nguồn lực, chứ không thể chỉ hỗ trợ.

 

Thảo luận hai dự án luật


Chiều 14/8, UBTVQH thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.


Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII. Qua thảo luận, vẫn còn 6 vấn đề lớn có ý kiến khác nhau là: Định nghĩa bản chất hợp tác xã; cơ chế chính sách hỗ trợ ưu đãi của Nhà nước; tổ chức liên minh hợp tác xã; quy định quyền của hợp tác xã được thành lập công ty; quy định phân phối thu nhập của hợp tác xã; quản trị hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.


Nhiều ý kiến đại biểu tán thành với định nghĩa bản chất hợp tác xã như dự thảo luật vì đã thể hiện mối quan hệ tự nguyện hợp tác, đồng sở hữu, tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên hợp tác xã, nhằm mang lại lợi ích cho thành viên thông qua đáp ứng nhu cầu chung của thành viên về sử dụng sản phẩm, dịch vụ hoặc việc làm. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần quy định rõ hơn, theo hướng trao nhiều quyền cho đại hội thành viên quyết định để bảo đảm công khai, minh bạch và tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của hợp tác xã, hạn chế sự can thiệp của Nhà nước.


Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cần khẳng định hợp tác xã là một loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp tập thể hoặc doanh nghiệp đặc thù được thành lập nhằm mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận. Về nội dung này, quan điểm của Thường trực Ủy ban Kinh tế, là cơ quan tiến hành thẩm tra dự án luật, cho rằng các loại hình doanh nghiệp (theo Luật Doanh nghiệp) hoạt động theo nguyên tắc đối vốn, chủ yếu cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho thị trường bên ngoài nhằm mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp và vốn góp của chủ sở hữu.


Trong khi đó, hợp tác xã là tổ chức kinh tế do các thành viên tự nguyện lập ra nhằm mục tiêu tối đa hóa lợi ích của từng thành viên thông qua việc đáp ứng nhu cầu chung về sản phẩm, dịch vụ hoặc việc làm. Theo đó, thành viên hợp tác xã vừa là người góp vốn, đồng sở hữu hợp tác xã, vừa là người sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã. Như vậy, hợp tác xã không thể là doanh nghiệp, doanh nghiệp tập thể hay doanh nghiệp đặc thù.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh Luật Hợp tác xã (sửa đổi) ra đời phải góp phần giúp hợp tác xã phát triển. Chủ tịch đề nghị ban soạn thảo, cơ quan tiến hành thẩm tra cần nghiên cứu, thận trọng hoàn thiện dự án luật trước khi trình Quốc hội thông qua.


Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, UBTVQH tập trung thảo luận về phí điều tiết hoạt động điện lực.


Về vấn đề này, có 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất, nhất trí với Tờ trình của Chính phủ đề nghị cần phải thu phí điều tiết hoạt động điện lực vì cho rằng, hiện nay, cơ quan điều tiết điện lực trực thuộc Bộ Công Thương, thực hiện chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước về điều tiết hoạt động điện lực.


Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi thị trường điện lực đã hình thành và phát triển, cơ quan điều tiết hoạt động điện lực phải có vị trí, vai trò độc lập, tổ chức thực hiện nhiệm vụ điều tiết hoạt động điện lực nhằm cung cấp điện an toàn, ổn định, sử dụng điện tiết kiệm, có hiệu quả và đảm bảo công bằng, minh bạch, đúng quy định của pháp luật. Đây cũng là mô hình thực tiễn của nhiều quốc gia trên thế giới.

 

Vì vậy, ngoài ngân sách nhà nước dành cho thực hiện chức năng quản lý nhà nước, việc thu phí điều tiết hoạt động điện lực để bổ sung nguồn lực, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết cho việc chuyển đổi mô hình cơ quan điều tiết thị trường điện là cần thiết, góp phần giảm khoản chi của ngân sách nhà nước. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, theo quy định tại khoản 11 Điều 3 và khoản 2 Điều 66 Luật Điện lực, điều tiết điện lực là hoạt động quản lý nhà nước, theo đó hoạt động này phải được ngân sách nhà nước bảo đảm. Vì vậy, đề nghị không thu loại phí này.


Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với loại ý kiến thứ hai.


Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến, trong Tờ trình dự án luật chưa đề cập tới việc thu phí điện lực sẽ có tác động như thế nào đối với đời sống xã hội; việc sử dụng phí sẽ được thực hiện ra sao...


Thanh Hòa - Quỳnh Hoa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN