Xác định rõ hơn quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ đối với doanh nghiệp nhà nước

Tại phiên họp tháng 10/2012, Chính phủ đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Nghị định về phân công, phân cấp thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp (DN). Bên lề diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã bày tỏ ý kiến đồng tình với việc Chính phủ có chủ trương mới về quản lý đối với DNNN.

 

Đại biểu Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia: “Xác định những giới hạn về vốn vay, đầu tư với DNNN”


Việc các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty lớn chịu sự quản lý trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ như trước đây sẽ phát sinh một số bất cập. Thứ nhất, Thủ tướng không thể có đủ thời gian cho việc quản lý các tập đoàn kinh tế, các DNNN. Thứ hai, khi Thủ tướng trực tiếp chịu trách nhiệm thực hiện một quyền của chủ sở hữu thì sẽ ảnh hưởng đến quyền đại diện chủ sở hữu của các bộ, các địa phương. Do đó, cần giải quyết vấn đề này bằng cách phân định quyền chủ sở hữu cho rõ hơn, phù hợp hơn với điều kiện thực tế hiện nay.


Thứ hai, bên canh việc phân công, phân cấp thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN thì cần xác định, phân định rõ giới hạn, phạm vi hoạt động của các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước. Trước đây, có những tập đoàn, tổng công ty đã phát triển sản xuất kinh doanh quá rộng, đầu tư quá tràn lan, dàn trải. Chúng ta cần khắc phục tình trạng này. Theo đó, Chính phủ cần quy định cụ thể hơn về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của từng tập đoàn.


Thứ ba, phải xác định được những chuẩn mực an toàn trong hoạt động của các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty. Bất cứ định chế nào cũng phải được tổ chức hoạt động trong khuôn khổ của chuẩn an toàn (hay nói cách khác là phải quản lý được rủi ro) ở qui mô rộng. Từng DN phải có cơ chế quản trị rủi ro và trong bình diện chung thì quản lý nhà nước cũng phải có những qui định quản lỷ rủi ro chung. Ví dụ, trước đây có những tập đoàn vay vốn gấp 10 lần so với vốn chủ sở hữu thì quá lớn. Chúng ta cần có quy định rõ ràng hơn về giới hạn vốn vay cũng như giới hạn về quy định đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính...

 

Đại biểu Trần Du Lịch (Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh): “Cần hoàn thiện cơ chế, đặc biệt là cơ chế về vai trò của người đại diện chủ sở hữu”

 

 


Tôi ủng hộ chủ trương của Chính phủ về giới hạn lại và chấm dứt chủ trương mở rộng thí điểm đối với các tập đoàn kinh tế; song song với đó, phải hoàn thiện cơ chế đặc biệt là cơ chế về vai trò của người đại diện chủ sở hữu. Tuy nhiên tôi đề nghị đối với việc tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế cũng như tái cơ cấu nền kinh tế cần có ủy ban quốc gia mang tính liên ngành do Thủ tướng đứng đầu để giải quyết đồng bộ và kịp thời bằng những biện pháp mạnh mẽ. Chứ giao cho các bộ, ngành kể cả DN làm cục bộ thì kết quả sẽ hạn chế.


Thu Hường (ghi)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN