Cái nôi của cách mạng
Nằm cạnh dòng Rạch Gầm hiền hòa đầy ắp phù sa, xã Vĩnh Kim là vùng đất sản sinh ra nhiều nhân tài, trí thức yêu nước như nữ thi sĩ Đỗ Liên đã nói "Chợ Giữa nhiều trang danh điện ngọc/Vĩnh Kim lắm kẻ học liên trì".
Nhắc đến xã Vĩnh Kim, người ta còn kể đến cái nôi của cách mạng trong thời kỳ đầu thành lập Đảng (nơi thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên tại Nam Kỳ vào cuối năm 1929) và trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940.
Tại đây còn sự kiện lễ giỗ Chợ Giữa không thể nào phai nhòa trong tâm khảm của người dân Vĩnh Kim. Theo tư liệu nghiên cứu của Tiến sĩ sử học Nguyễn Phúc Nghiệp (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang), sau khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (ngày 23/11/1940) nổi dậy với lòng sục sôi làm rung chuyển bộ máy chính quyền thống trị của thực dân Pháp, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng được tung bay trên nóc Đình Long Hưng. Giặc Pháp đã tiến hành đàn áp rất tàn bạo ở các xã có phong trào khởi nghĩa, trong số đó có làng Vĩnh Kim.
Vào ngày 03/12/1940, quân Pháp đã dùng ca-nô, tàu chiến, máy bay cùng lính bộ binh càn quét vào các làng Phước Thạnh, Long Hưng, Đông Hòa, Kim Sơn, Bình Trưng và Vĩnh Kim. Chúng đã thả hai quả bom xuống Chợ Giữa - Vĩnh Kim trong lúc đông người đang nhóm họp chợ, thảm sát hơn 40 người dân vô tội.
Năm 2005, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, xã Vĩnh Kim đã được ngành Văn hóa thống nhất xây dựng tượng đài căm thù tại Chợ Giữa ngày xưa, nơi giặc Pháp đã bỏ bom thảm sát người dân. Tượng được đúc bằng đồng, nặng 8 tấn, do nhà điêu khắc Lương Văn Thạnh sáng tác. Người dân Vĩnh Kim cứ đến ngày mùng 5/11 (âm lịch) đều tổ chức lễ giỗ Chợ Giữa để tưởng nhớ những đồng bào đã bị giặc Pháp thảm sát.
Hướng đến đô thị trung tâm
Nằm ở vị trí trung tâm các xã phía Nam của huyện Châu Thành, hoạt động thương mại, dịch vụ ở Vĩnh Kim được hình thành và phát triển rất sớm. Chợ Vĩnh Kim là nơi tập trung giao dịch trái cây của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều loại trái cây đặc sản của Tiền Giang như: Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, sa pô Mặc Bắc Kim Sơn, nhãn Nhị Quý,... Sản lượng giao dịch tại chợ khoảng 400 tấn/ngày, vào mùa vụ thu hoạch cao điểm đạt trên 1.000 tấn/ngày.
Sau khi được đầu tư, mở rộng cách đây vài năm, quy mô của chợ lên đến 200 vựa lớn, nhỏ, đưa chợ trở thành đầu mối cung ứng, tiêu thụ trái cây hàng đầu của tỉnh. Chợ Vĩnh Kim được doanh nghiệp đầu tư quy mô lên đến hàng trăm hộ kinh doanh, đến nay trên địa bàn xã có hơn 700 hộ, cơ sở kinh doanh lớn, nhỏ chủ yếu buôn bán trái cây, hàng hóa tiêu dùng, kim khí điện máy, trang trí nội thất…
Trước tiềm năng phát triển kinh tế của xã Vĩnh Kim, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt Đồ án quy hoạch chung đô thị Vĩnh Kim đến năm 2030. Theo đó, định hướng thị trấn mới gồm toàn bộ xã Vĩnh Kim và một phần của xã Bình Trưng, Đông Hòa. Khi lên đô thị loại V, thị trấn mới sẽ tập trung có hiệu quả chợ đầu mối Vĩnh Kim, trở thành một phân nhánh trung tâm thương mại - dịch vụ của huyện Châu Thành và thành phố Mỹ Tho, là trung tâm thương mại mang tính trung chuyển quan trọng của tỉnh Tiền Giang.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Kim cho biết: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đang chủ động định hướng phát triển kinh tế theo hướng "đi tắt đón đầu". Trong đó, ưu tiên hàng đầu là đẩy mạnh phát triển các dịch vụ - thương mại thông qua việc phát huy tối đa lợi thế và tiềm năng của chợ Vĩnh Kim; đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện để người dân cải tạo vườn cây ăn trái theo hướng khai thác du lịch kết hợp với kinh tế vườn; khai thác các điểm du lịch là những "địa chỉ đỏ" như di tích lịch sử văn hóa nhà Chủ tịch Tôn Đức Thắng từng ở và làm việc, mộ của cụ Phan Hiển Đạo và khu nhà, vườn của cố Giáo sư, Tiến sĩ, Viện sĩ Trần Văn Khê.
Với truyền thống cách mạng và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà các thế hệ cha anh đã dày công hy sinh, tạo dựng, Vĩnh Kim được kỳ vọng sẽ phát triển thành một đô thị trong tương lai gần cùng những đột phá trong phát triển về kinh tế - văn hóa - xã hội.